Cổ đông “mòn mỏi” chờ nhận cổ tức

Thứ tư, 27/03/2019, 09:37 AM

Nhiều doanh nghiệp chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền từ năm 2011 nhưng sau nhiều lần “thất hứa”, họ quyết định dời đến năm 2021 mới thanh toán cho cổ đông. Động thái “chây ỳ” này khiến doanh nghiệp trở nên “xấu” đi trong mắt nhà đầu tư, từ đó ảnh hưởng tới giá cổ phiếu.

CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà có quy mô vốn 1.148 tỷ đồng nhưng vẫn cho cổ đông ăn

CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà có quy mô vốn 1.148 tỷ đồng nhưng vẫn cho cổ đông ăn "quả lừa". Ảnh: (Thanh Ngà.).

Những “con ma nhà họ hứa”

CTCP Sông Đà 9.06 (S96) chốt quyền nhận cổ tức năm 2010 từ 1/7/2011, tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cổ phiếu) nhưng trong 8 năm qua, S96 đã 7 lần dời ngày thanh toán cổ tức. Mới đây, Tổng Giám đốc Đinh Ngọc Anh cho biết, công ty chưa thu xếp được nguồn tiền nên điều chỉnh thời gian thanh toán cổ tức năm 2010 đến ngày 31/12/2021. Cổ đông của S96 sẽ tiếp tục chờ đợi thêm 3 năm nữa để nhận cổ tức của 8 năm về trước.

Giống như S96, ban lãnh đạo CTCP Simco Sông Đà (SDA) “hứa” đến 14/12/2021 công ty sẽ trả cổ tức năm 2011 và 2013 với tổng tỷ lệ 13%. SDA đã chốt quyền nhận cổ tức từ 26/12/2014. Số lần dời ngày thanh toán cổ tức của SDA lên con số 7.

Ngôi vương “con ma nhà họ hứa” về cổ tức trên thị trường chứng khoán thuộc CTCP Kỹ thuật điện Sông Đà (SDE) với 14 lần dời ngày thanh toán. SDE chốt quyền nhận cổ tức 11% năm 2011 và 2012 vào ngày 14/11/2013. Mới đây, SDE dời ngày thanh toán sang tận 30/6/2020.

Ngoài những doanh nghiệp kể trên, danh sách “con ma nhà họ hứa” cổ tức còn có SDE, SD6, SJS, PFL, VC5... Trong danh sách này, nổi bật là CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) có quy mô vốn điều lệ lên hơn 1.000 tỷ đồng nhưng có 2 lần “chây ỳ” chi trả cổ tức.

Đại hội đồng cổ đông thường niên SJS năm 2011 thông qua việc chi trả cổ tức năm 2010 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 15%. Trả cổ tức bằng cổ phiếu không làm phát sinh bất kỳ dòng tiền chảy ra khỏi doanh nghiệp nhưng phải 7 năm sau, đến 4/2018, SJS mới chốt quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Chưa dừng ở đó, 28/12/2017, SJS chốt quyền nhận cổ tức năm 2016 bằng tiền với tỷ lệ 10%, thời gian thanh toán cổ tức vào 25/1/2018. Hơn 1 năm trôi qua, 3 lần thay đổi thời gian, ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT SJS cho biết ngày 15/4/2019 tới, công ty mới thanh toán cổ tức năm 2016.

Doanh nghiệp thiếu tiền mặt

Đa số các doanh nghiệp trong danh sách kể trên đều hoạt động ở lĩnh vực xây dựng, bất động sản... Dù doanh thu, lợi nhuận lớn nhưng nhiều công ty không có tiền.

Giải thích nguyên nhân điều chỉnh lịch trả cổ tức sang tận cuối năm 2021, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc SDA cho biết, công ty đã sử dụng nguồn tiền thanh toán cổ tức năm 2011 và 2013 để đầu tư vào dự án khai thác và chế biến đá marble tại Myanmar. Dự án đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 nhưng gặp khó khăn về tiêu thụ hàng nên chưa thu hồi được vốn. Do vậy, công ty chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức 2011 và 2013 cho các cổ đông.

Cuối năm 2017, CTCP Xây dựng Công trình ngầm (CTN) dời ngày thanh toán cổ tức từ 27/12/2017 sang 31/12/2020 với lý do: Trong năm 2017, công ty đặc biệt khó khăn về tài chính, dòng tiền thi công không thu hồi được, cơ quan thuế cưỡng chế hóa đơn do nợ thuế lớn. Ngoài ra, công ty chịu sức ép nợ bảo hiểm xã hội, tiền phạt chậm trả, nợ lớn thầu phụ và nhà cung cấp nguyên vật liệu. Công ty đang chỉ tập trung tìm kiếm giải pháp khắc phục, dự kiến giải quyết tất cả các khó khăn trên trong vòng 3 năm 2018-2020.

Hiện nay, SDA, CTN... chỉ là các “thây ma”. SDA lỗ 3 năm liên tiếp 2016-2018 nên cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) xuống sàn UPCoM. Trong khi đó, CTN lỗ nhiều năm liên tiếp và âm vốn chủ sở hữu. Nên viễn cảnh ban lãnh đạo SDA, CTN giữ đúng lời hứa với cổ đông là xa vời.

Sở hữu cổ phiếu của các doanh nghiệp

Sở hữu cổ phiếu của các doanh nghiệp "con ma nhà họ hứa" cổ tức khiến nhiều nhà đầu tư "cháy túi".

Cổ tức vẫn là ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn cổ phiếu

Khi theo dõi cổ phiếu của bất kỳ công ty nào, nhà đầu tư nên chú ý đến ba con số quan trọng: Giá, cổ tức, hệ số giá trên thu nhập. Như vậy, cổ tức là một trong những yếu tố cơ bản để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Hiện nay, chưa có chế tài xử phạt các doanh nghiệp liên tục “chây ỳ” thanh toán cổ tức ngoài sự nhắc nhở của Sở Giao dịch Chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư tự bảo vệ mình bằng kiến thức, sự trải nghiệm trên thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư Nguyễn Khánh Hưng nhận định: Nhiều nhà đầu tư vẫn ưa thích doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền. Những công ty trả cổ tức cao và thường xuyên luôn là một lựa chọn đầu tư tốt. Thứ nhất, công ty làm ăn có lãi và tiền mặt để trả cổ tức cho cổ đông. Thứ hai, cổ tức tạo ra cho nhà đầu tư khoản thu nhập thường xuyên. Khi cổ phiếu không tăng giá, hàng năm, cổ đông vẫn có thể thu được tiền về qua dòng cổ tức.

Trong các công ty trả cổ tức bằng tiền, nhà đầu tư thường sử dụng chỉ số lợi suất cổ tức (cổ tức/giá cổ phiếu) để so sánh giữa các công ty với nhau. Chỉ số này càng cao thì càng tốt. Bên cạnh các cổ phiếu tăng trưởng, nhà đầu tư nên nghĩ đến những cổ phiếu trả cổ tức cao đều đặn hàng năm.

N. NGUYỄN

Theo NTD

largeer