Chọn ngành nghề cho tương lai: Theo đam mê hay xu thế "hot"?

Thứ hai, 17/04/2023, 10:30 AM

Nhiều học sinh cuối cấp băn khoăn, cân nhắc khi lựa chọn ngành nghề theo học phù hợp với năng lực của bản thân hay xu thế "hot"?

Băn khoăn lựa chọn ngành nghề

Bộ GD&ĐT vừa công bố hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, kỳ thi được tổ chức vào các ngày 27,28,29 và 30/6/2023. Nhiều trường đại học, cao đẳng cũng đã đưa ra phương án tuyển sinh dự kiến năm 2023 với ngành nghề mới, đa dạng, thu hút sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh.

Đây cũng chính là thời điểm nhiều thí sinh cũng như phụ huynh băn khoăn về việc lựa chọn ngành nghề theo học bởi đây chính là bước ngoặt quan trọng quyết định đến tương lai. Nhiều thí sinh có xu hướng lựa chọn những ngành nghề “hot”, có triển vọng với mong muốn tìm được công việc với mức lương cao sau khi ra trường.

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT là thời điểm nhiều thí sinh cũng như phụ huynh băn khoăn về việc lựa chọn ngành nghề theo học bởi đây chính là bước ngoặt quan trọng quyết định đến tương lai

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT là thời điểm nhiều thí sinh cũng như phụ huynh băn khoăn về việc lựa chọn ngành nghề theo học bởi đây chính là bước ngoặt quan trọng quyết định đến tương lai

Em Nguyễn Thị Thư - học sinh lớp 12, Trường THPT Phụ Dực, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết do có niềm đam mê với ngành nghề sư phạm nên em dự định đăng ký nguyện vọng thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Dù vậy, gia đình, người thân hay bạn bè đều khuyên Thư nên lựa chọn lại bởi theo nhiều đánh giá, sư phạm là một trong những ngành nghề có tỷ lệ thất nghiệp cao.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng nghề giáo vốn vất vả, mức thu nhập không cao so với các ngành nghề khác cũng như khó ổn định cuộc sống. Một câu hỏi được nhiều người đặt ra với Thư rằng: “Tại sao lại không chọn những nghề khác "hot" hơn và có triển vọng trong tương lai?”.

Việc lựa chọn ngành nghề học theo đam mê hay xu thế

Việc lựa chọn ngành nghề học theo đam mê hay xu thế "hot" là băn khoăn của rất nhiều học sinh (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Phương Nam - học sinh lớp 12N1, Trường THPT Nguyễn Tất Thành, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội lựa chọn ngành khoa học máy tính vì cho rằng cơ hội việc làm cũng như cơ hội thăng tiến của ngành nghề này rất đa dạng.

Theo nhận định, mức lương có thể nhận được sau tốt nghiệp của kỹ sư ngành Khoa học máy tính dao động trong khoảng từ 12 – 20 triệu đồng/ tháng và mức lương này có thể tăng nhanh theo năng lực và kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Do đó, Phương Nam cho biết sau khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, em quyết định đăng ký học tập tại Middlesex University (London, Anh).

Đam mê hay xu thế "hot"?

Báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD&ĐT cho thấy, 4 nhóm ngành được thí sinh lựa chọn nhiều nhất là: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kinh doanh và quản lý, Công nghệ kỹ thuật, Kinh doanh và quản lý. Thêm vào đó, nhu cầu đào tạo ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính cũng tăng cao.

Theo thống kê, năm 2023, xu thế lựa chọn các ngành nghề của học sinh cuối cấp tiếp tục có sự dịch chuyển sang các ngành khoa học công nghệ như: Công nghệ thông tin, điện tử, trí tuệ nhân tạo, cơ khí chế tạo…

Xu thế lựa chọn các ngành nghề của học sinh trong thời gian tới tiếp tục có sự dịch chuyển sang các ngành khoa học công nghệ (Ảnh minh họa)

Xu thế lựa chọn các ngành nghề của học sinh trong thời gian tới tiếp tục có sự dịch chuyển sang các ngành khoa học công nghệ (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, xuất phát từ thực tế và yêu cầu của xã hội, từ xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, các ngành trong khối kinh tế, chính trị và ngoại thương như quan hệ quốc tế, quốc tế học, thương mại, kinh tế quốc tế, kinh doanh quốc tế hay các ngành dịch vụ như thẩm mỹ, du lịch, khách sạn, sức khỏe cũng trở thành những ngành nghề quan trọng, thu hút sự quan tâm lớn từ thị trường lao động.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, thí sinh nên lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân và đem lại giá trị tốt cho xã hội hơn là chỉ mải mê chạy theo xu thế những ngành nghề "hot".

Ông Ngô Minh Tuấn – nhà sáng lập Trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam Global nhận định, trên thực tế không có ngành nghề nào "hot" mãi cả mà làm bất nghề nào giỏi nghề và mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, cho xã hội thì đó mới là nghề "hot" và phù hợp với năng lực bản thân.

"Đừng tập trung vào nghề "hot" mà cần tập trung vào năng lực sở trường bên trong của bản thân. Từ đó nghiên cứu nghề nào bản thân mình đáp ứng tốt nhất, mình thích nó và nỗ lực trở thành "trạng nguyên" của lĩnh vực đó thì mình lúc nào cũng hot, chứ không cần nghề hot”, ông Ngô Minh Tuấn chia sẻ.

Mỗi học sinh đều cần chuẩn bị thật tốt những kỹ năng cần thiết để có thể linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của xã hội (Ảnh minh họa)

Mỗi học sinh đều cần chuẩn bị thật tốt những kỹ năng cần thiết để có thể linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của xã hội (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Trương Thị Hoa - Chuyên gia Giáo dục học (Giảng viên Khoa Tâm lý học giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thì cho rằng, điều đầu tiên mỗi học sinh cần hiểu rõ bản thân, bao gồm năng lực, điểm mạnh, điểm yếu, năng lực học tập… để lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp.

Theo chuyên gia này, trong xã hội biến động không ngừng cùng với sự bùng nổ về công nghệ thông tin như hiện nay, sẽ có những biến động về nguồn nhân lực, có những ngành nghề mới có thể sinh ra và những ngành sẽ mất đi.

"Chính kỹ năng làm việc mới là yếu tố quyết định thu nhập của các em sau này. Để đứng vững trong thị trường lao động luôn thay đổi, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh đều cần chuẩn bị thật tốt những kỹ năng cần thiết để có thể linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của xã hội", Tiến sĩ Trương Thị Hoa phân tích.

HỒNG NGỌC

Theo giadinhonline.vn

largeer