Chần chừ và sai lầm, Vũ Hán bỏ lỡ cơ hội chặn đại dịch từ sớm
Việc chậm trễ thông tin ở Vũ Hán tạo điều kiện cho virus corona lây lan rộng, rơi vào tình trạng mất kiểm soát hiện tại. Thời khắc quan trọng để khống chế dịch từ sớm bị bỏ lỡ.
Căn bệnh lạ đã lây tới 7 bệnh nhân trong viện, và một bác sĩ cảnh báo cho các những người cùng trường y. “(Họ) bị cách ly trong phòng cấp cứu rồi”, bác sĩ Li Wenliang, gửi một nhóm chat vào ngày 30/12.
“Sợ quá”, một người trả lời. “Dịch SARS quay trở lại à?” - ý nói tới đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc năm 2002 đã làm tử vong tổng cộng 800 người.
Ngay trong đêm, các quan chức y tế thành phố Vũ Hán gọi bác sĩ Li tới, hỏi vì sao ông đã chia sẻ thông tin đó. Ba ngày sau, ông Li buộc phải ký giấy thừa nhận đó là hành vi phạm pháp.
Căn bệnh bí ẩn đó chính là virus corona chủng mới, làm cả thế giới hoang mang khi lây lan nhanh từ Vũ Hán ra khắp Trung Quốc và các nước. Số ca tử vong đã lên tới 361, số ca nhiễm lên tới 17.388, tính đến sáng 3/2.
Báo New York Times đã tái hiện lại diễn biến của 7 tuần quan trọng, từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên đầu tháng 12, đến khi Vũ Hán bị phong tỏa, dựa vào hơn hai chục cuộc phỏng vấn với bác sĩ, quan chức và người dân Vũ Hán. Những lời kể cho thấy các quan chức địa phương đã tìm cách trì hoãn, không hành động ngay để kiềm chế mối nguy dù họ có đầy đủ thông tin.
Sự chần chừ ban đầu của chính quyền địa phương đã để virus corona lây cho quá nhiều người cùng tỷ lệ tử vong lớn.
Ở những thời khắc quan trọng, các quan chức địa phương che giấu thông tin, cố gắng trấn an, để tránh sự lo lắng của công chúng, thay vì đối diện thẳng thắn với cuộc khủng hoảng vốn ngày càng nghiêm trọng, theo New York Times.
Bí thư Vũ Hán thừa nhận sai lầm
Điều này đã được Bí thư Thành ủy Vũ Hán Ma Guoqiang thừa nhận trong cuộc phỏng vấn ngày 31/1 trên đài truyền hình nhà nước CCTV, giữa lúc mạng xã hội giận dữ về cách xử lý mang tính che giấu, chần chừ của giới chức thành phố.
“Ngay bây giờ, tôi cảm thấy tội lỗi, tiếc nuối và tự vấn bản thân”, ông Ma Guoqiang, quan chức cấp cao nhất của Vũ Hán nói. “Nếu chúng ta có những biện pháp như bây giờ vào thời điểm đó, đại dịch có lẽ đã được giảm phần nào, và không đến mức như hiện giờ”.
Trong những tuần đầu, chính quyền địa phương đã buộc các bác sĩ và những ai cố gắng cảnh báo phải im lặng. Các quan chức đã hạ thấp mức độ nguy hiểm, khiến 11 triệu dân Vũ Hán không biết là cần phải bảo vệ mình. Thành phố đóng cửa chợ hải sản được cho là nơi bắt nguồn của virus, nhưng lại thông báo lý do là để sửa chữa.
Ngay cả khi số ca nhiễm vẫn tăng, các quan chức liên tục tuyên bố không có ca mới.
Không cảnh báo công chúng và các nhân viên y tế một cách quyết liệt, các chuyên gia y tế cộng đồng nói chính phủ Trung Quốc để mất cơ hội tốt nhất để ngăn không cho căn bệnh trở thành đại dịch.
“Không có hành động nào từ giới chức y tế Vũ Hán để báo động người dân về mối đe dọa”, Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), chuyên về Trung Quốc, nói.
Ca nhiễm đầu tiên xuất hiện đầu tháng 12, mà chi tiết tới giờ vẫn chưa rõ ràng. Đến khi chính quyền bắt đầu hành động vào ngày 20/1, căn bệnh đã trở thành mối đe dọa xuyên quốc gia. Hơn một tuần sau, nó trở thành tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, theo tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Phủ nhận lây từ người sang người
Vào ngày cuối của năm 2019, tin nhắn của bác sĩ Li trong nhóm chat bắt đầu được chia sẻ bên ngoài. Giới chức chỉ tập trung vào việc kiểm soát thông tin. Cảnh sát tuyên bố điều tra 8 người vì phát tán tin đồn về đợt bùng phát.
Cùng ngày đó, ủy ban y tế Vũ Hán, chịu áp lực từ những thông tin bị lộ ra, phải tuyên bố 27 người đang bị viêm phổi không rõ nguyên nhân, nhưng cho rằng không có gì phải lo lắng.
“Căn bệnh này có thể phòng được và kiểm soát được”, một thông cáo cho biết.
Bác sĩ Li, vốn là bác sĩ nhãn khoa, quay lại làm việc sau khi bị phê bình. Ngày 10/1, ông điều trị một bệnh nhân tới khám bệnh tăng nhãn áp. Ông không biết bệnh nhân này đã nhiễm virus corona, khả năng là từ con gái. Cả hai mẹ con sau đó đổ bệnh. Rồi đến bác sĩ Li.
Hu Xiaohu, bán thịt lợn tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, thấy có gì đó lạ thường. Các nhân viên ở chợ lần lượt bị sốt, không ai biết nguyên nhân. Nhưng ông Hu kể rằng một số người đã bị cách ly.
Khu chợ này nằm ở khu vực mới hơn của thành phố, ở gần các tòa căn hộ, phố mua sắm phục vụ tầng lớp trung lưu. Ngoài thịt cá thông thường, chợ này cũng bán thằn lằn, động vật hoang dã mà nhiều người Trung Quốc coi là “của lạ”. Nhưng theo báo cáo từ cơ quan kiểm soát dịch bệnh thành phố, điều kiện vệ sinh khu chợ rất tệ, không khí lưu thông kém, rác chất đống trên mặt đường ẩm ướt.
Trong các bệnh viện, bác sĩ và y tá khó hiểu khi hàng loạt bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi virus, nhưng lại không khỏi khi điều trị bằng các biện pháp thông thường. Họ sớm nhận ra các bệnh nhân có điểm chung: đều làm việc ở chợ hải sản Hoa Nam.
Ngày 1/1, cảnh sát tới cùng các quan chức y tế và đóng cửa chợ. Tân Hoa Xã đưa tin khu chợ được sửa chữa. Nhưng sáng hôm đó, các nhân viên phải dùng đồ bảo hộ để tẩy rửa, khử trùng các gian hàng.
Đối với công chúng, sự kiện đó là phản ứng đầu tiên của chính quyền đối với căn bệnh lạ. Giới chức tỏ ra bình thản, cho biết đã chặn được virus ở nguồn, số ca bệnh giới hạn, không lây người sang người.
“Tỏ ra lạc quan và tự tin, trong khi chưa có trong tay dữ liệu, là chiến lược rất nguy hiểm”, Alexandra Phelan, giảng viên, nhà nghiên cứu thuộc khoa sinh học phân tử và miễn dịch tại Đại học Georgetown, Mỹ, nói.
Ca tử vong đầu tiên xảy ra 9 ngày sau khi chợ bị đóng cửa là một người đàn ông thường đi chợ đó, tên Zeng, 61 tuổi. Hai ngày sau, chính quyền mới công bố ca tử vong này.
Nhưng họ không đề cập chi tiết quan trọng để hiểu được quá trình phát tán của virus: vợ của ông Zeng bắt đầu có triệu chứng 5 ngày sau ông Zeng. Và bà chưa bao giờ tới khu chợ đó.
Giữ kín các ca lây từ người sang người trong 3 tuần
Cách chợ khoảng 30 km, các nhà khoa học ở Viện Virus học Vũ Hán, bao gồm Zheng-Li Shi, từng tham gia chống dịch SARS, đang nghiên cứu mẫu bệnh từ các bệnh nhân đầu tiên.
Trong khi công chúng còn chưa biết về virus, bà và các cộng sự nhanh chóng chắp nối thông tin, phát hiện ra virus này liên quan tới SARS. Cấu trúc gene của chủng virus corona mới cho thấy nó có thể cùng vật chủ là dơi.
Đại dịch SARS bắt đầu khi chủng virus corona lây từ dơi sang người thông qua con cầy hương, loài vật được nuôi và tiêu thụ một cách hợp pháp. Có khả năng chủng virus corona mới đây đã đi theo con đường tương tự, có thể đã đi qua chợ hải sản Hoa Nam hoặc một chợ khác.
Cùng thời điểm đó, bác sĩ Li và các chuyên gia khác ở Vũ Hán bắt đầu cảnh báo các đồng nghiệp. Lu Xiaohong, Trưởng khoa tiêu hóa bệnh viện thành phố số 5, nói với tờ China Youth Daily cách đây vài ngày rằng từ ngày 25/12, bà đã nghe thông tin căn bệnh lạ đã lây giữa các nhân viên y tế, tận ba tuần trước khi giới chức thừa nhận điều đó.
Lúc đó, bà không công khai điều mình biết, nhưng đã cố cảnh báo riêng một ngôi trường nằm gần khu chợ khác.
Tuần đầu tháng 1, khoa cấp cứu bệnh viện số 5 bắt đầu đông bệnh nhân, bao gồm các ca lây giữa thành viên trong gia đình, rõ ràng cho thấy virus corona có thể lây được từ qua tiếp xúc giữa người với người.
Vẫn ít ai biết chủng virus mới này nghiêm trọng đến thế nào, cho tới khi đã quá muộn, theo bà Lu Xiaohong.
Cũng trong tuần đầu tháng 1, ở Viện Virus học Vũ Hán, bác sĩ Shi, người từng tham gia chống dịch SARS, đã tách được đoạn gene di truyền, đặt cho nó cái tên viết tắt 2019-nCoV, rồi công bố phát hiện của mình trên cơ sở dữ liệu công khai để giới khoa học mọi nơi có thể nghiên cứu.
Phát hiện này cho phép giới khoa học khắp thế giới nhanh chóng vào cuộc để nghiên cứu công cụ xét nghiệm virus.
Không biết nguy cơ, chồng để vợ bị lây bệnh
Giữa tình thế nguy cấp, Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng lại dành thời gian để quảng bá các dự án y tế trong tương lai cho thành phố. Đây là mùa đại hội và không phải thời điểm nên để có tin xấu.
Vũ Hán cũng giữ kế hoạch tổ chức tất niên lớn cho 40.000 gia đình, sự kiện cho thấy giới lãnh đạo thành phố đã quá coi nhẹ đe dọa từ virus, theo một số nhà quan sát.
Trong khi đại hội diễn ra, giới chức y tế Vũ Hán mỗi ngày vẫn tuyên bố, sai với thực tế, rằng không có ca nhiễm mới, không có bằng chứng lây nhiễm từ người sang người, và không có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh.
“Chúng tôi biết những điều đó là sai”, một bản khiếu nại nộp lên Ủy ban Y tế Quốc gia qua một trang web chính phủ viết. Người nộp đơn khiếu nại giấu tên cho biết mình là một bác sĩ ở Vũ Hán, và tường trình về số ca bệnh lạ bắt đầu từ ngày 12/1.
Theo bản khiếu nại, các quan chức đã yêu cầu bác sĩ trong một bệnh viện hàng đầu thành phố “đừng dùng từ viêm phổi virus” trong hồ sơ bệnh án.
Điều đó khiến mọi người coi nhẹ thông tin về virus. “Nếu bác sĩ không ghi vào bệnh án, thì chắc những thông tin về virus có lẽ chỉ là thổi phồng”, người bác sĩ viết đơn khiếu nại giải thích.
Dong Guanghe bị sốt vào ngày 8/1 ở Vũ Hán, được đi viện rồi cho về nhà. 10 ngày sau, vợ của ông cũng bị sốt với triệu chứng tương tự. “Thời sự không nói gì về độ nghiêm trọng của dịch bệnh”, con gái họ, Dong Mingjing, nói. “Tôi tưởng họ bị cảm lạnh thông thường”.
Các chuyên gia cũng hiểu lầm trước các thông tin này. “Nếu không có thêm các ca mới trong những ngày tới, coi như đợt dịch kết thúc”, Guan Yi, một giáo sư có tiếng về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Hong Kong, phát biểu ngày 15/1. Tương tự, thông cáo của WHO những ngày đó cũng mang tính trấn an, bình tĩnh.
Chỉ hành động sau lệnh của ông Tập
Nhưng những ca tử vong đầu tiên, cùng với việc phát hiện bệnh ở nước ngoài, sớm buộc lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh phải chú ý. Chính quyền trung ương cử Chung Nam Sơn, chuyên gia dịch tễ học uy tín từng đóng vai trò cốt lõi đẩy lùi dịch SARS, tới Vũ Hán.
Ông tới vào ngày 18/1, và giọng điệu trong các tuyên bố của lãnh đạo Vũ Hán nhanh chóng thay đổi. Một buổi họp của tỉnh Hồ Bắc kêu gọi các nhân viên y tế ưu tiên căn bệnh lạ này. Tài liệu nội bộ của Bệnh viện Công đoàn Vũ Hán cảnh báo nhân viên rằng virus corona có thể lây qua nước bọt.
Ngày 20/1, hơn một tháng kể những ca đầu tiên, những lo ngại âm ỉ cuối cùng đã bùng lên trong mắt công chúng. Tiến sĩ Chung Nam Sơn tuyên bố trên truyền hình quốc gia là chắc chắn virus corona lây từ người sang người. Tệ hơn nữa, một bệnh nhân đã lây bệnh cho 14 nhân viên y tế.
Chủ tịch Tập Cận Bình vừa đi thăm Myanmar lần đầu lên tiếng về dịch bệnh, yêu cầu các quan chức ưu tiên bảo vệ người dân, và nhấn mạnh sự minh bạch về số ca bệnh.
Chỉ sau lệnh của ông Tập, bộ máy chính quyền Trung Quốc mới thực sự hành động. Khi ấy, mới có ba ca tử vong. Gần hai tuần sau, số ca tử vong đã tăng lên 304 tính đến sáng 2/2.
Vũ Hán bắt đầu cấm tour du lịch. Người dân bắt đầu đeo khẩu trang.
Guan Yi, chuyên gia Hong Kong trước đó đã giảm nhẹ mối đe dọa virus, giờ đây thực sự lo lắng. Ông nói với giới chức Hong Kong rằng dịch bệnh “đã vượt quá tầm kiểm soát”, rồi nhanh chóng đặt máy bay rời đi. Chỉ hai ngày sau, Hong Kong đóng cửa, động thái chỉ được thực hiện với sự đồng ý từ Bắc Kinh, theo New York Times.
Đến khi Vũ Hán có lệnh phong tỏa, người dân ở đây mới hiểu sự trầm trọng của dịch bệnh. Họ cố rời Vũ Hán qua sân bay, ga tàu trước hạn cuối vào sáng ngày 23/1. Bệnh viện đông người tới khám vì nghi đã nhiễm virus.
Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng sau này nhận trách nhiệm vì đã chậm trễ báo cáo mức độ của dịch bệnh, nhưng cho rằng luật chỉ cho phép tỉnh tuyên bố dịch bệnh nếu trung ương cho phép. “Tôi chỉ có thể công bố thông tin nếu được cho phép”, ông nói.
Nỗ lực cảnh báo từ những ngày đầu của bác sĩ Li không còn bị coi là phạm pháp. Tòa án Tối cao viết trên mạng xã hội đoạn bình luận chỉ trích cảnh sát vì đã điều tra những người ban đầu cố gắng báo động về dịch bệnh. 8 người bị điều tra vì “phát tán tin đồn” được minh oan.
“Có lẽ việc phòng chống và kiểm soát chủng virus corona mới hôm nay đã tốt hơn nếu công chúng đã tin vào các ‘tin đồn’ khi đó và bắt đầu đeo khẩu trang, có những biện pháp vệ sinh và tránh xa chợ bán động vật hoang dã”, phần bình luận của Tòa án Tối cao viết.
Bác sĩ Li 34 tuổi và có một con. Ông và vợ sắp có con thứ hai mùa hè này, và ông đang hồi phục trong bệnh viện. Trả lời phỏng vấn New York Times qua tin nhắn, ông cho biết cảm thấy giận dữ vì các hành động của cảnh sát.
“Nếu các quan chức đã công khai thông tin về dịch bệnh sớm hơn”, ông viết. “Tôi nghĩ đã có thể tốt hơn rất nhiều. Lẽ ra phải mở hơn và minh bạch hơn”.
Trọng Thuấn
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội