Cần "định vị" doanh nghiệp trong chuyển đổi số, kinh tế số
Chiều 7/12, kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục với chương trình thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường. Nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của thành phố được các đại biểu quan tâm, bàn thảo.
Chuyển đổi số, kinh tế số chưa tính đến doanh nghiệp
Tại buổi thảo luận, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho biết, thời gian qua, thành phố đặc biệt quan tâm chuyển hướng xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số và kinh tế số theo lộ trình đến 2025. Tuy nhiên, ông Quân thắc mắc: "Tôi chưa thấy rõ vị trí của các công ty, doanh nghiệp trong định hướng này".
Theo ông Quân, sự lớn mạnh của các công ty, doanh nghiệp đã xác định vai trò đóng góp cho kinh tế nhà nước, do đó, hình ảnh của họ cần rõ nét hơn trong sự chuyển dịch nêu trên.
Cùng quan điểm, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng, thành phố bước vào giai đoạn tái cơ cấu và tổ chức doanh nghiệp, do đó, đối với những doanh nghiệp thành lập mới mà kinh doanh số, cần có sự ưu tiên.
Trước nội dung này, ông Từ Lương - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - khẳng định, sở sẽ tiếp thu để hoàn thiện đề án liên chuyển đổi số, kinh tế số.
Ông Từ Lương cho rằng, chuyển đổi số trong thời gian tới, đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TPHCM xác định là trọng tâm, buộc phải làm và dẫn đầu. Sở cũng đã tham mưu cho UBND TPHCM ban hành nhiều quyết định liên quan, bao gồm tổ chức hội nghị về chương trình chuyển đổi số, xây dựng đề án ngầm hóa cáp viễn thông...
Phân tích thêm, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, vấn đề lớn nhất của chuyển đổi số không nằm ở kỹ thuật mà là ở cách triển khai, đưa vào doanh nghiệp. Hiện thành phố đang tập trung thực hiện các giải pháp để triển khai.
Cam kết với cử tri, nhưng chậm thực hiện
Ông Cao Thanh Bình - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM cho biết, qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, ông nhận thấy nhiều nội dung được cơ quan chức năng cam kết triển khai nhưng quá trình thực hiện lại chậm.
Ông Bình khẳng định: "Nhiều chương trình đề ra từ đầu nhiệm kỳ, trải qua nhiều phiên chất vấn chúng ta có cam kết với cử tri nhưng chuyển biến rất chậm, tiến độ thực hiện chậm”.
Cụ thể, theo ông Bình, công tác hỗ trợ ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 cho người dân được thành phố triển khai thực hiện tốt. Trong sự chung sức đó, Công ty cấp nước cũng hỗ trợ người nghèo thông qua việc miễn phí nước sinh hoạt trong tháng 4, 5, 6/2020.
“Nhưng cho đến giờ, cử tri kiến nghị họ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ này” - ông Bình nói.
Tương tự, hệ thống quan trắc tự động của thành phố chưa đảm bảo. Không ít cử tri than phiền môi trường bị ô nhiễm, hôi thối song hệ thống quan trắc lại cho ra kết quả môi trường bình thường. Theo ông Bình, bản thân ông đi khảo sát thực tế, cũng thấy môi trường bị ô nhiễm.
"Việc đầu tư hệ thống quan trắc không lớn, tại sao không triển khai” - ông Bình nêu.
Cũng theo ông Bình, hiện nay, quá trình thực hiện các chính sách vẫn còn chậm về thủ tục dẫn đến khó bố trí vốn, đặc biệt trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm.
"Nếu không hoàn chỉnh thủ tục, an sinh sẽ bị ảnh hưởng. Thành phố có nửa triệu người nghèo mà không được giải quyết thì có thể dẫn đến nhiều hệ lụy”, ông Bình nói.
Tuyết Dân
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường