Muốn tồn tại, doanh nghiệp phải khẩn trương, linh hoạt

Thứ sáu, 11/09/2020, 15:15 PM

Tại hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) ứng phó rủi ro từ khủng hoảng COVID-19” ngày 10/9, các chuyên gia cho rằng, dù Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ DN, người lao động nhưng tốc độ thực hiện còn chậm; để vượt khó, DN cần chủ động.

Ông Phạm Đình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - dẫn báo cáo của Hiệp hội DN TP.HCM cho biết, hiện mới chỉ có 5% DN chuyển về trạng thái bình thường, 9% DN bắt đầu vượt qua khó khăn, 44% DN vẫn còn khó khăn, 40% DN còn rất nhiều khó khăn, 40% DN thiếu vốn kinh doanh, 88% DN cho biết thị trường bị thu hẹp và 52% DN sẽ phải cắt giảm lao động, 11% DN đứng trước áp lực vi phạm hợp đồng. Trong khi đó, có đến 76% DN chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ. 

Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân mới đây cho thấy có 20% doanh nghiệp dừng hoạt động, 76% DN không cân đối được thu – chi, 2% DN giải thể và 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng.

Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân mới đây cho thấy có 20% doanh nghiệp dừng hoạt động, 76% DN không cân đối được thu – chi, 2% DN giải thể và 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng.

Đáng lưu ý, chưa có DN nào được vay tiền không tính lãi suất hoặc tính lãi suất thấp để trả lương, giữ chân người lao động; chưa có DN nào được giảm các loại phí, lệ phí. Theo ông An, Nhà nước cần đánh giá lại xem các chính sách hỗ trợ có kịp thời, thủ tục có đơn giản, đáp ứng đúng nhu cầu của DN hay không. Ngoài hỗ trợ ngắn hạn, cần xem xét các vấn đề phát triển dài hạn và cơ hội kinh doanh mới cho DN. 

Theo tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia - 90% người Việt Nam bị giảm thu nhập, hơn 30 triệu người lao động bị ảnh hưởng, tỷ lệ lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong 10 năm qua. Để vượt qua khó khăn, bên cạnh cắt giảm chi phí, linh hoạt chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi sản phẩm, nhiều DN tiếp tục duy trì quan hệ với đối tác truyền thống, quan trọng dù có những gián đoạn trong giao dịch; bám sát thông tin dịch bệnh, tìm cơ hội tiếp cận thị trường ngay khi có điều kiện, khai thác thị trường trong nước.

Tuy nhiên, để trụ vững, phát triển lâu dài, DN cần tìm kiếm cơ hội kinh doanh từ các cam kết, lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các lĩnh vực, ngành nghề mới. DN nên kết nối với nhau cùng chấp nhận cạnh tranh ở thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao, sáng tạo và chuyển động cùng cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển sản phẩm mới, có giải pháp đi kèm và tương tác tốt với khách hàng, thông minh hóa quản trị và quy trình sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi số…

Đặc biệt, DN cần đối thoại và ứng xử theo pháp luật, đảm bảo hợp đồng kinh doanh và tự bảo vệ quyền lợi; nắm bắt chính sách cải cách hiện hành và sắp tới, đối thoại, đồng hành với Nhà nước; xây dựng thương hiệu và thực hiện trách nhiệm xã hội. “Trong nguy có cơ. DN phải vực dậy bằng tinh thần thời chiến: quyết liệt, khẩn trương, linh hoạt; tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại trong một thế giới đổi thay bằng cách nhìn ra xu thế, tận dụng lợi thế, sáng tạo, chia sẻ, kết nối và quản trị rủi ro” - tiến sĩ Thành khuyến nghị. 

Tiến sĩ Thành cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ cùng các biện pháp bổ sung như kéo dài thời hạn xử lý nợ và đóng thuế, phí; giảm thuế, phí; hỗ trợ một số công ty, tập đoàn lớn, đồng thời xem xét gói hỗ trợ thứ hai tính đến cả năm 2021; đẩy mạnh cải cách cơ cấu thích ứng với các xu thế phát triển mới; tận dụng lợi thế các FTA và chiến dịch đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm đến quản trị rủi ro và sự bất định, đảm bảo khả năng chống chịu của nền kinh tế. 

Ngoài tác động về mặt kinh tế, không ít DN đang phải đối mặt với các tranh chấp, vi phạm hợp đồng khi dịch COVID-19 xảy ra. Theo phó giáo sư - tiến sĩ Dương Anh Sơn - Trưởng khoa Luật kinh tế, Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM - vi phạm hợp đồng chủ yếu là vi phạm những hợp đồng được ký kết trước đợt dịch COVID-19 lần thứ nhất. Một số trường hợp vi phạm là do bất khả kháng, nhưng với những hợp đồng khác, dịch COVID-19 chỉ là tình huống khó khăn đặc biệt (hoàn cảnh thay đổi cơ bản) gây trở ngại cho việc thực thi nghĩa vụ hợp đồng. Tranh chấp chủ yếu là vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng, giao hàng hóa không đúng thời hạn, tranh chấp về bồi thường tiền bảo hiểm… Tiến sĩ Sơn lưu ý, khi ký hợp đồng, DN cần thỏa thuận rõ ràng các tình huống bất khả kháng đối với các loại hợp đồng cụ thể. 

Nguyễn Cẩm

Theo phunuonline.com.vn