Chuyên gia: COVID-19 khó lường, doanh nghiệp cần gói hỗ trợ lần 2

Thứ ba, 24/11/2020, 12:01 PM

Các chuyên gia cho rằng cần sớm có gói hỗ trợ lần 2 để "cứu" doanh nghiệp do COVID-19 vẫn diễn biến khó lường và các gói cứu trợ lần 1 chưa hiệu quả như kỳ vọng.

Tuy COVID-19 cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam nhưng những diễn biến phức tạp trên thế giới khiến các doanh nghiệp vẫn gặp khó trong kinh doanh. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ lần đầu đến nay vẫn chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Do đó, doanh nghiệp chờ đợi gói hỗ trợ lần 2 không chỉ đủ lớn, đủ mạnh, đủ nhanh mà còn phải thực chất để hồi sức cho nền kinh tế.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ với VTC News, ông Vương Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, gói hỗ trợ lần 2 cần tập trung vào doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp, tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp phục hồi nhanh khi tác động của đại dịch suy giảm và chấm dứt.

Doanh nghiệp hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Doanh nghiệp hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Nguyên nhân do khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP của nền kinh tế với trên 758,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 96% tổng số doanh nghiệp của cả nước, tạo việc làm cho gần 15 triệu lao động với mức thu nhập bình quân tháng đạt khoảng 9 triệu đồng/lao động.

Do đó sự phục hồi, tiến tới ổn định và phát triển của doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

“Với thực trạng sức khỏe doanh nghiệp và những hệ luỵ từ đại dịch COVID-19, gói hỗ trợ lần thứ 2 cần tập trung đặc biệt vào khu vực doanh nghiệp để thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất và cơ cấu lại nền kinh tế”, ông Lâm nói.

Tuy vậy, để doanh nghiệp có thể tiếp nhận hiệu quả gói hỗ trợ, Chính phủ cần rà soát các điều kiện. Thực tế trong thời gian thực thi gói hỗ trợ trị giá 250.000 tỷ đồng, nhiều điều kiện chưa phù hợp, phức tạp, thiếu khả thi và không sát thực tế đã khiến chỉ khoảng 20% doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu và tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Vẫn theo ông Lâm, trong lần hỗ trợ này, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, đồng thời xem xét cắt giảm giá điện để giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn.

Đặc biệt cần ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như du lịch, hàng không…

Nghiên cứu, ban hành và khẩn trương thực hiện chính sách kinh tế mới để “lôi kéo” doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất trong điều kiện bình thường mới của nền kinh tế.

Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại, tăng cường kỹ năng cho người lao động để lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu lao động trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với những thay đổi của thế giới do đại dịch COVID-19 gây ra.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc và khác biệt do COVID-19, với thực tế kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, Chính phủ cần khẩn trương có chính sách vĩ mô dài hơi, các gói hỗ trợ cần được đưa ra thực hiện, điều chỉnh đúng lúc và kịp thời. Chính sách được thực hiện muộn sẽ không còn tác dụng”, ông Lâm nhấn mạnh.

Tránh dàn trải, đại trà

Đồng tình với quan điểm cần thêm gói hỗ trợ mới ngay lúc này nhưng PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cũng nhấn mạnh: Gói hỗ trợ lần 2 cần tập trung vào những doanh nghiệp có quy mô đủ lớn, tài chính minh bạch, khả năng phục hồi cao và có tính lan tỏa.

“Chính phủ đã có những giải pháp rất kịp thời trong gói hỗ trợ lần 1 nhằm giải cứu một số khu vực kinh tế và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng quá trình thực thi chưa hiệu quả như kỳ vọng, tỷ lệ giải ngân còn thấp. Gói hỗ trợ lần 2 cần xác định đúng đối tượng, trúng vấn đề, triển khai nhanh và thực chất. Muốn vậy, các điều kiện đưa ra phải phù hợp, sát với thực tế để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận”, ông Long nói.

Theo ông Long, kinh tế nước ta còn nghèo, do đó việc thiết kế gói hỗ trợ lần 2 cần chọn lọc hơn, tránh đại trà, dàn trải. “Các chính sách và giải pháp của Chính phủ cần thực hiện kịp thời, đúng thời điểm vì chính sách được thực hiện muộn không còn tác dụng như mong muốn”, ông Long nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, dù Chính phủ đã rất nỗ lực, chính sách được chủ động ban hành kịp thời và quyết liệt song hiệu quả của gói hỗ trợ lần 1 còn khá thấp.

“Cần xem xét gói kích thích, hỗ trợ kinh tế lần 2 với quy mô đủ lớn, có kéo dài sang cả năm 2021 nhưng phải gắn với tái cấu trúc nền kinh tế và các xu thế phát triển mới trên thế giới”, ông Thành cho hay.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, gói hỗ trợ lần 2 cần triển khai cho vay lãi suất ưu đãi cho một số đối tượng rõ ràng, minh bạch, có lộ trình kết thúc cụ thể. Theo đó, xem xét cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi (thấp hơn thị trường khoảng 2%/năm) cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính trong lĩnh vực rất khó khăn như vận tải, du lịch, dệt may, da giày, giáo dục - đào tạo...

Tiếp đến là thúc đẩy cho vay tiêu dùng (cơ bản là cơ chế) theo hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong việc phân rõ hơn giữa cho vay tiêu dùng của công ty tài chính với ngân hàng thương mại; hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, góp phần thúc đẩy tài chính ngân hàng số.

Bên cạnh đó, tăng cường cho vay tái cấp vốn và xem xét giảm phí bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở phân loại tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (từ quý 4/2020 đến hết năm 2021), để các tổ chức tín dụng có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

PGS.TS. Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng kiến nghị Chính phủ cần có các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn. Bên cạnh đó, cần ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém.

“Về gói tiền tệ, cần nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi. Chính phủ cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh bền vững. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng”, ông Thọ nhấn mạnh.

HÒA BÌNH

Theo vtc