Các vị danh y nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

Thứ ba, 27/02/2018, 15:51 PM

Không chỉ nổi danh bởi tài năng y học, chữa bệnh cứu người, những danh y xuyên suốt lịch sử Việt Nam như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Đình Chiểu và Phạm Ngọc Thạch còn được biết đến như những nhà văn, nhà thơ, chiến sĩ cách mạng, luôn đau đáu vì nước, vì dân.

“Ông Thánh thuốc Nam” Tuệ Tĩnh

Tuệ Tĩnh (1330 - 1400)

Tuệ Tĩnh (1330 - 1400)

Thời nhà Trần là một thời đại đặc biệt trong lịch sử Việt Nam với tư tưởng rộng mở, khoáng đạt cùng rất nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, văn học, y tế... Và cái tên Tuệ Tĩnh là minh chứng cho sự phát triển tột bậc của thời đại này.

Nguyễn Bá Tĩnh (1333) mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được các nhà sư trong chùa nuôi dạy thành người. Sớm thấm nhuần tư tưởng nhân đạo, cứu thế của nhà Phật, chàng trai Nguyễn Bá Tĩnh dù đã đỗ Thái học sinh dưới thời Trần Dụ Tông nhưng quyết chí không ra làm quan, trở về tu tập, lấy pháp danh là Tuệ Tĩnh, học nghề thuốc cứu người.

Với tài năng thiên bẩm cùng sự chăm chỉ, linh hoạt, Tuệ Tĩnh chẳng mấy chốc mà nổi danh khắp cả nước. Ông chữa bệnh hay đến nỗi trở thành cống phẩm của nhà Trần cho triều Minh. Ở nước bạn, Tuệ Tĩnh tiếp tục được thi thố sở học dạnh bất hư truyền của mình và nhanh chóng trở thành Đại thái y của hoàng cung.

Thành danh nơi đất khách quê người song Tuệ Tĩnh luôn đau đáu một khát vọng trở về quê cũ, mang vốn liếng y thuật mình tích lũy được đêt chữa bệnh, cứu người Việt. Tiếc thay, cho đến cuối cuộc đời vẻ vang của mình, ông vẫn không thể nào hiện thực hóa ước muốn nhỏ nhoi ấy. Ông mất trên đất Trung Quốc, trên mộ còn dòng chữ: “Ai về nước Nam cho tôi theo với”.

Tuệ Tĩnh được biết đến như là người đã đặt nền móng cho nền y học cổ truyền Việt Nam với tư tưởng: “Nam dược trị Nam nhân” (thuốc Nam chữa bệnh cho người nước Nam). Ông được xem là bậc thầy của thầy thuốc Việt, ông tổ. của ngành y nước nhà. Người đời sau tôn xưng ông là “Ông thánh thuốc Nam”.

Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791)

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791)

Ông được xem là một danh y lớn của dân tộc, sinh năm 1720 tại trấn Hải Dương (nay là tỉnh Hưng Yên), ông sinh ra trong một gia đình mấy đời khoa bảng và làm quan to trong triều vua Lê – chúa Trịnh. Lúc còn nhỏ, ông theo cha đi học tại Thăng Long, ông học hành rất giỏi sau đó thi đậu được vào Tam Trường. Năm 19 tuổi cha mất, ông phải thôi học để chịu tang và sau đó ít lâu ông cũng tham gia đi lính. Ông nhận ra mình không phù hợp với nghiệp cầm cung kiếm, nên sau anh trai của ông mất ông cũng xin rời khỏi quân ngũ về nhà nuôi mẹ và các cháu.

Ông bị lâm trọng bệnh trong suốt 2 – 3 năm, chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Ông tìm đến nhà của thầy thuốc Trần Độc ở huyện Thanh Chương (nay là tỉnh Nghệ An) để chữa bệnh và đây cũng là cơ duyên cho ông tìm đến với nghề thuốc. Suốt một năm trời ở tại nhà ông Độc, Lê Hữu Trác đã có cơ hội đọc được nhiều sách vở y học. Quyển sách y học “Phùng thi cẩm nang” của Trung Quốc là quyển ông thường xuyên đọc lúc rỗi rãi và hiểu thấu những điều trong sách viết và từ đó chính thức theo nghề y.

Ông không chỉ đọc sách vở mà còn trao đổi kinh nghiệm với những thầy thuốc khác để nâng cao tay nghề. Ông bắt được nhiều bệnh, chữa khỏi nhiều nhiều trường hợp khó nên được rất nhiều người tin tưởng. Ông vừa chữa bệnh, vừa dạy học, vừa biên soạn sách y khoa. Quyển sách “Y tông tâm lĩnh” được ông biên soạn trong từ năm ông 40 tuổi cho đến năm 50 tuổi (1760 – 1770) và đến khoảng 20 năm sau trước một năm ông mất (1790) thì ông còn bổ sung thêm vào một số phần khác. Toàn bộ sách Hải Thượng để lại mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng như một tài sản vô giá của nền y học cổ truyền Việt Nam gọi là “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh…Đặc điểm nổi bật là sách của ông có tiếp thu chọn lọc những y thuật của nước ngoài rồi ứng dụng phù hợp với điều kiện của con người Việt Nam.

Ước muốn quyển sách của mình được in ra để  lưu truyền nhiều nơi nhưng đến khi ông mất (1791) vẫn không thực hiện được. Mãi đến gần một thế kỉ sau 1885, các học trò của ông đã tập hợp được đầy đủ bộ “Hải thượng Y tông tâm lĩnh” và in thành sách nên ngày nay chúng ta mới thụ hưởng được một bộ sách đầy quý giá về lĩnh vực Y học cổ truyền Việt Nam

Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)

Không cần phải nói quá nhiều về tiểu sử của vị danh y này khi hầu hết người Việt Nam đều biết đến ông qua những thành tựu văn học kiệt xuất như Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc.

Nhưng không nhiều người biết rằng Nguyễn Đình Chiểu cũng là một thầy thuốc tài năng, đức độ. Cuộc đời thăng trầm không cho phép tiếp tục công danh khoa cử, ông trở về quê dạy học bốc thuốc, viết văn. Thành tựu văn chương với nhưng câu thơ đanh thép đã làm nên tên tuổi của cụ Đồ Bến Tre, và gắn liền với đó là thành tựu y học xuất chúng.

Trong suốt cuộc đời, ông chuyên tâm vào việc chữa bệnh cứu người, giảng dạy đạo lý dù đã bị mù hai mắt. Những tác phẩm y học của ông nổi tiếng nhất là Ngư tiều y thuật vấn đáp, tác phảm thơ Nôm nói về các vị thuốc Nam và cách chữa bệnh bằng thuốc.

Ông được xem như tấm gương sáng cho phong trào yêu nước, chống giặc ngoại xâm dù không trực tiếp ra trận. Những sáng tác cổ động đạo nghĩa, lòng yêu nước của ông khiến nhân dân khắp vùng Nam Bộ hưởng ứng và học tập.

Đồ Chiểu mất đi trong sự tiếc thương vô hạn của quần chúng nhân dân Nam Bộ, một tài năng văn chương xuất sắc, một nhà văn hóa lớn, một người thầy vĩ đại và hơn hết là một danh y yêu nước đã làm nên tên tuổi Nguyễn Đình Chiểu.

Tiến sỹ y khoa Phạm Ngọc Thạch

Phạm Ngọc Thạch (1909-1968)

Phạm Ngọc Thạch (1909-1968)

Sinh năm 1909 tại Quy Nhơn, Bình Định trong một gia đình giàu truyền thống, từ nhỏ Phạm Ngọc Thạch đã được học hành bài bản và trở thành một tên tuổi lớn của cách mạng Việt Nam.

Trở về nước sau khi tốt nghiệp Tiến sỹ Y khoa tại Pháp, Phạm Ngọc Thạch mở phòng khám tư và tham gia cách mạng. Nổi tiếng vì sự giàu có, tiếp cận với quốc tế, Phạm Ngọc Thạch nhanh chóng trở thành trụ cột trong chính phủ của chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông trở thành bộ trưởng Y tế đầu tiên của Việt Nam và là gần như là người Việt đầu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật phương Tây vào y học Việt Nam.

Từ Tuệ Tĩnh đến Phạm Ngọc Thạch, nền y học Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể gắn liền với từng chặng đường lịch sử. Ngày 27 tháng 2 hằng năm, dân tộc ta dùng để tôn vinh những thầy thuốc như vậy.

Đăng Kiệt - Đức Tiến

Theo NTD

largeer