Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ thị: Không để học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa
Ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ra Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo trong các trường phổ thông, trong đó yêu cầu giáo viên không để cho học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, khi biên soạn SGK nhằm phục vụ nhu cầu học tập trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003, nhiều bảng số liệu đã để trống để hướng dẫn học sinh cách làm bài tập.
Để học sinh không viết vào SGK trong quá trình thực hiện các hoạt động học, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng SGK được lâu bền. Tuy nhiên, việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng nhiều lần, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục ở địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn sách giáo khoa để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào sách giáo khoa.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục, khiến học sinh phải mua quá nhiều ấn phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.
Cần phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng sách giáo khoa và xuất bản ấn phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Với Nhà xuất bản Giáo dục, Bộ GD&ĐT yêu cầu tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành sách giáo khoa hiện hành để có phương án chỉnh sửa bản thảo sách giáo khoa nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào sách giáo khoa trong quá trình học tập, sau đó báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án chỉnh sửa bản thảo sách giáo khoa trước khi tái bản.
Như Dân trí đưa tin trước đó, hiện nay nhiều SGK rất lãng phí do học sinh viết, vẽ vào ở nhiều dạng bài tập.
Lý giải về điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9-12-2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước.
Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Do đó, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống, các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi để giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước phát triển.
Tuy nhiên, điều này khiến dư luận phản ứng bởi việc viết, vẽ vào SGK khiến lãng phí hàng tỉ đồng mỗi năm do học sinh không thể tái sử dụng.
Mỹ Hà
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội