Black Friday năm nay sẽ hết cảnh chen chúc mua đồ giảm giá

Thứ năm, 26/11/2020, 09:55 AM

Cảnh tượng đám đông ùn ùn đến các siêu thị mua đồ giảm giá vốn là đặc sản của ngày Black Friday tại Mỹ. Nhưng dịch Covid-19 có thể khiến những cảnh tượng này biến mất.

Ngày Black Friday, thứ sáu ngay sau Lễ Tạ ơn, chuẩn bị diễn ra. Mọi năm, đó sẽ là thời điểm người mua hàng Mỹ đổ xô đến các cửa hàng, trung tâm thương mại từ nửa đêm trước ngày Black Friday để mua sắm trong ngày giảm giá lớn nhất của năm.

Nhưng năm nay, dịch Covid-19 có thể khiến cảnh tượng đám đông chen chúc mua hàng biến mất. Khi số ca nhiễm Covid-19 vẫn gia tăng, người tiêu dùng lo ngại về việc xếp hàng tại các cửa hàng, trung tâm thương mại để săn đồ giảm giá.

Black Friday là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ ơn. Theo Huffington Post, từ “black” trong Black Friday từng được dùng để chỉ một ngày tệ hại. Vào một ngày thứ sáu trong năm 1869, người ta sử dụng từ "Black Friday" để mô tả ngày giá vàng giảm mạnh, dẫn đến sự sụp đổ thị trường và ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ trong nhiều năm.

Đến những năm 1950 và 1960, thuật ngữ này được cảnh sát giao thông ở Philadelphia (bang PennsyIvania, Mỹ) sử dụng để mô tả tình trạng kẹt xe khủng khiếp tại trung tâm thành phố. Khi đó, hàng trăm nghìn người Mỹ đổ xuống các con phố, chen chúc nhau để mua sắm, sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến.

Ngày Black Friday ra đời từ tình trạng kẹt xe khủng khiếp khi người Mỹ đổ xô xuống phố để mua sắm, sửa soạn cho dịp Noel. Ảnh: Reuters.

Ngày Black Friday ra đời từ tình trạng kẹt xe khủng khiếp khi người Mỹ đổ xô xuống phố để mua sắm, sửa soạn cho dịp Noel. Ảnh: Reuters.

Chen lấn, xô đẩy

Giới kinh doanh Mỹ sau đó đã sử dụng thuật ngữ Black Friday để quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng loạt giảm giá với ưu đãi lớn để thu hút khách hàng. Nhiều cửa hàng thậm chí mở cửa từ nửa đêm hoặc bán hàng từ Lễ Tạ ơn.

Trong ngày Black Friday, hầu hết mặt hàng, kể cả những mặt hàng đắt khách và ít giảm giá nhất, cũng giảm trung bình từ 10-30%. Các thương hiệu từ bình dân đến nổi tiếng như Apple, Nike đều có ưu đãi lớn. Người mua phải xếp hàng, chen lấn, giành giật để mua những món hàng ưng ý với mức giá hời.

Sau nhiều thập niên, ngày mua sắm lớn nhất trong năm vẫn thu hút sự tham gia đông đảo của các cửa hàng và người tiêu dùng Mỹ. Cùng với thương mại điện tử, dịp lễ mua sắm này còn trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia bên ngoài Mỹ.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định ngày Black Friday năm 2020 sẽ không còn điên cuồng. Trên thực tế, ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, ngày Black Friday đã dần mất sức hút. Vài năm trở lại đây, theo Bloomberg, ngày hội mua sắm lớn nhất nước Mỹ chuyển từ "điên cuồng" sang "văn minh" nhưng nhạt nhẽo hơn.

Cảnh tượng đám đông chen lấn để mua hàng giảm giá đã trở nên quen thuộc trong ngày Black Friday. Ảnh: Reuters.

Cảnh tượng đám đông chen lấn để mua hàng giảm giá đã trở nên quen thuộc trong ngày Black Friday. Ảnh: Reuters.

Cảnh tượng tại các cửa hàng và trung tâm thương mại không còn quá hỗn loạn. Một phần nguyên nhân là không ít nhà bán lẻ bắt đầu chương trình giảm giá từ vài tuần trước ngày Black Friday nhằm kéo dài dịp lễ.

Cùng với đó là sự xuất hiện của thương mại điện tử. "Bạn đang nhìn thấy bước chuyển thế hệ thông qua Black Friday. Những người 20-30 tuổi chỉ mua một vài món đồ mà họ đã nghiên cứu trên mạng trong Black Friday. Điều đó trái ngược với thế hệ cũ. Tại sao phải đến cửa hàng? Tại sao phải lòng vòng tìm chỗ đậu xe?", chuyên gia Jennifer Bartashus của Bloomberg bình luận.

Thêm vào đó, một bộ phận người tiêu dùng Mỹ muốn tẩy chay ngày lễ này do làm xấu đi hình ảnh nước Mỹ. Nguyên nhân là tình trạng hỗn loạn, giẫm đạp, thậm chí dẫn đến thương vong chỉ vì giành giật đồ giảm giá.

Dịch Covid-19 làm thay đổi mọi thứ

Với sự ra đời của thương mại điện tử, người mua hàng có thể ngồi ở nhà, so sánh giá cả của các mặt hàng bằng cách lướt ngón tay trên màn hình điện thoại. Không còn cảnh chen lấn, xếp hàng ngoài trời lạnh hay thậm chí bỏ mạng vì bị chen lấn, xô đẩy.

Tuy nhiên, năm 2020, có một lý do đặc biệt khiến người tiêu dùng sợ đám đông chen lấn ngày Black Friday hơn. Theo cuộc thăm dò của Deloitte được công bố hôm 22/11, 57% người tiêu dùng thừa nhận rằng họ lo lắng về việc mua sắm tại các cửa hàng trong ngày Black Friday do dịch Covid-19. Hồi tháng 9, tỷ lệ này là 51%.

"Tôi đoán là tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng cao. Đại dịch đang thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang trực tuyến và thay đổi hành vi", ông Rod Sides, Phó chủ tịch Deloitte, nhận xét. Tính đến ngày 25/11, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã tăng lên 12,7 triệu trường hợp với 260.000 người tử vong.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) mới đây kêu gọi người Mỹ không nên đi du lịch vào ngày Lễ Tạ ơn. Lần đầu tiên trong lịch sử khảo sát của Deloitte, nhiều người tiêu dùng (61%) dự định mua sắm trực tuyến vào ngày Black Friday hơn tại các cửa hàng (54%).

Khoảng 61% người "không chắc chắn" hoặc "không có kế hoạch" đi mua sắm với bạn bè và gia đình trong tuần Lễ Tạ ơn, so với 48% của năm ngoài.

Ông Jeff Gennette, Giám đốc điều hành Macy’s, thừa nhận rằng số khách hàng đến các cửa hàng truyền thống chắc chắn sẽ giảm trong ngày hội mua sắm năm nay. Những chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn Macy’s, Walmart, Target và Dick’s Sporting Goods đã tung ưu đãi sớm, nhằm thu hút khách hàng sớm và giảm tình trạng chen lấn vào đúng ngày Black Friday.

Gần 1/3 người được hỏi ở cuộc thăm dò của Deloitte cho biết họ sẽ mua sắm ít hơn trong dịp lễ này. 65% trong số đó thừa nhận mối bận tâm hàng đầu là dịch Covid-19. 74% người lên kế hoạch mua sắm trực tuyến để tránh xa đám đông. "Tôi cho rằng ngày Black Friday năm nay sẽ chuyển sang chủ yếu ở trên mạng", ông Sides tại Deloitte nhận định.

Thảo Cao

Theo zingnews

largeer