BIDV đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt phương án tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu
Trong 4 ngân hàng TMCP có vốn nhà nước, hiện riêng BIDV vẫn đang là ngân hàng "lọt" lại trong danh sách chờ được phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ.
Trước thềm lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam vào chiều ngày 7/10) tại trụ sở VCCI (Hà Nội).
Theo Diễn đàn doanh nghiệp, tại Hội nghị, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Lê Ngọc Lâm đã có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng vốn điều lệ cho BIDV và các tổ chức tín dụng (TCTD) Nhà nước. Đặc biệt là thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính cho các TCTD.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét chỉnh sửa bổ sung Luật giao dịch điện tử năm 2005. Ông cho biết sau hơn 15 năm thực hiện, tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh hiện đang không áp dụng với một số lĩnh vực như bất động sản, gây khó khăn cho các ngân hàng khi triển khai sản phẩm số hoá, dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử...
Một kiến nghị khác được Lãnh đạo BIDV nêu là vấn đề về Luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, dự kiến hết hiệu lực vào tháng 8/2022; Luật hoá pháp luật về giao dịch đảm bảo do hành lang pháp lý hiện nay chưa đồng bộ, thống nhất, hiệu lực pháp lý chưa cao trong việc liên thông dữ liệu về tài sản đảm bảo.
Ông Lê Ngọc Lâm cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là những nơi thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với việc thích ứng với điều kiện mới, ngân hàng cũng đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cụ thể, BIDV đã cơ cấu nợ cho 7.379 khách hàng, tổng dư nợ cơ cấu 77.900 tỷ đồng. Đồng thời giảm lãi suất cho vay, kể cả nhu cầu vay mới và dư nợ hiện hữu.
Trong năm 2020, BIDV đã chủ động giảm thu nhập khoảng 6.400 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, giảm trực tiếp lãi suất 3.100 tỷ đồng; thoái lãi dự thu do thực hiện cơ cấu nợ khoảng 2.900 tỷ đồng.
Trong kế hoạch của mình để thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt theo Thông tư 14/2021 và cam kết thực hiện giảm lãi (trong khuôn khổ cam kết của 16 tổ chức tín dụng với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), BIDV dự kiến năm 2021 sẽ hy sinh khoảng 7.100 tỷ đồng thu nhập để giảm lãi suất, phí dịch vụ hỗ trợ khách hàng.
Về kiến nghị xem xét tăng vốn điều lệ cho các TCTD Nhà nước, được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, BIDV đã trình phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, lên mức 48.524 tỷ đồng, tăng 20,6% so với thời điểm 31/12/2020. Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III-IV/2021.
Song song với đó, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2021-2022 sau khi được chấp thuận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được ngân hàng này dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, được phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV với cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả, an toàn, tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông.
Trong nhóm các TCTD Nhà nước có kế hoạch đề xuất tăng vốn để tăng năng lực cạnh tranh tối ưu, hiện có Agribank đã được Quốc hội nhất bổ sung vốn điều lệ tối đa 3.500 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019; VietinBank cũng được Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước 6.977 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VietinBank vào tháng 6/2021; hay gần nhất trong tháng 9 mới đây, Vietcombank cũng vừa được phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước hơn 7.657 tỷ đồng, theo đó sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức để tăng vốn điều lệ; thì riêng BIDV vẫn đang là ngân hàng "lọt" lại trong danh sách chờ được phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ.
PV
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường