Bất động sản ven biển: Hạ tầng chưa bắt kịp tốc độ phát triển
Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang ở một trong những giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Nhiều chủ đầu tư đổ xô lấn sân qua bất động sản ven biển khiến xuất hiện rất nhiều dự án mới, điều này kéo theo hệ lụy hạ tầng giao thông kết nối không theo kịp và trở thành rủi ro cho tương lai.
Phóng viên Báo Người Tiêu Dùng có cuộc trao đổi với ông Vũ Lý Cung, Phó Tổng Giám đốc CTCP Dịch vụ Bất động sản Danh Khôi Việt (DKRV) - đơn vị đang kinh doanh tiếp thị khá nhiều sản phẩm bất động sản ven biển nhiều năm qua.
Ông có thể cho biết vì sao bất động sản ven biển phát triển mạnh trong thời gian qua?
Đường bờ biển Việt Nam dài 3.260 km không kể các đảo. Trong đó có những bãi biển được các tờ báo uy tín trên thế giới bình chọn nằm trong top đầu “đẹp nhất hành tinh”. So với những nước lân cận trong khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, Việt Nam còn tiềm năng phát triển du lịch biển rất lớn.
Đồng thời, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 31/12/2011) định hướng ưu tiên lớn nhất là tập trung phát triển dòng sản phẩm du lịch biển, mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam.
Trong 5 năm gần nhất của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều tập đoàn Việt Nam như Vinpearl, FLC, Sun Group... tham gia phát triển và hình thành những khu nghỉ dưỡng ven biển đẳng cấp 4-5 sao.
Các đường bay quốc tế mới mở càng tạo sự phát triển sôi động cho thị trường bất động sản, chẳng hạn sân bay quốc tế Cam Ranh với các đường bay thẳng từ Macau, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nga, Thái Lan...
Khánh Hòa đón gần 3,4 triệu lượt khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2019 (tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, khách quốc tế chiếm hơn 1,7 triệu lượt (tăng gần 24%).
Rõ ràng thị trường bất động sản du lịch ven biển của Việt Nam đang phát triển khá nhanh.
Bất động sản ven biển mà cụ thể là các dự án vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng mang lại điều gì cho các địa phương, nhà đầu tư và khách hàng?
Về địa phương: Việc thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài, giúp tăng ngân sách đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Nhiều du khách biết đến, giá trị khai thác du lịch tăng và doanh thu du lịch của địa phương sẽ cao hơn.
Về nhà đầu tư: Họ có thêm kênh đầu tư bền vững mới để bổ sung cho danh mục đầu tư của mình. Mở ra nhiều cơ hội được đồng hành hoặc vươn đến đủ sức cạnh tranh với những thương hiệu quốc tế khác ngay tại thị trường bất động sản Việt Nam.
Với khách hàng: Có tiện nghi nghỉ dưỡng chất lượng 4-5 sao ngay tại Việt Nam mà không phải đi ra nước ngoài. Được cơ hội đầu tư kết hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng cho bản thân, gia đình và bạn bè. Mở ra nhiều cơ hội đầu tư các bất động sản hoặc dịch vụ ở đi kèm khi phát triển du lịch nghỉ dưỡng như: Nhà nghỉ, khách sạn 2-3 sao, kinh doanh cho thuê / buôn bán các đặc sản địa phương... Dân địa phương có thêm nhiều cơ hội công ăn, việc làm thúc đẩy đời sống ngày càng được nâng cao.
Sự phát triển nhanh chóng, ồ ạt có thể dẫn tới hậu quả gì?
Xét về góc độ làm bất động sản tại Việt Nam thì sự phát triển nhanh nào cũng có mặt tốt và mặt chưa tốt. Việc du khách quốc tế đến quá đông, trong khi đó hạ tầng khu vực chưa phát triển theo kịp dẫn tới sự quá tải hoặc phục vụ chưa chu đáo.
Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn tới có nhiều khu nghỉ dưỡng dù nằm ở vị trí đắc địa, xây dựng rất đẹp nhưng lại vắng khách. Có nhiều khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế nhưng nằm cách xa khu dân cư, kết nối hạ tầng kém dẫn tới vắng khách. Cho nên, trong tốc độ phát triển nghỉ dưỡng thì hạ tầng cần có sự tương quan đồng bộ với nhau nhiều hơn.
Đã có rất nhiều dự án bị gãy gánh giữa đường. Vậy làm sao để hạn chế những rủi ro này?
Năng lực và kinh nghiệm của chủ đầu tư dự án đóng vai trò quan trọng trong phát triển một bất động sản nghỉ dưỡng.
Họ cần có sự phân tích, điều chỉnh và cân bằng lợi ích giữa “kinh doanh bất động sản” với “làm du lịch” để hạn chế việc dự án đứng hình.
Ở góc độ nhà đầu tư cá nhân, việc đầu tư bất động sản có liên quan đến du lịch nghỉ dưỡng cần được nhà đầu tư cá nhân đưa vào danh mục đầu tư trung và dài hạn thay vì ngắn hạn như trước.
Nguyễn Vũ
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội