Bất động sản hút dòng vốn đầu tư nước ngoài

Thứ hai, 05/02/2018, 21:52 PM

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng, đem lại rất nhiều lợi ích...

Dự báo giá bán bất động sản sẽ theo xu hướng tăng do sự chuyển biến tích cực của thị trường, nhu cầu ngày càng tăng và chất lượng dự án tốt hơn.

Dự báo giá bán bất động sản sẽ theo xu hướng tăng do sự chuyển biến tích cực của thị trường, nhu cầu ngày càng tăng và chất lượng dự án tốt hơn.

Việt Nam trong thời gian tới, các công ty tư vấn, quản lý bất động sản đều cho rằng sẽ tiếp tục phát triển; đầu tư nước ngoài vào thị trường này cũng ngày một tăng lên.

Năm 2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài, kể cả vốn đăng ký mới, tăng vốn và góp vốn cổ phần của các nhà đầu tư ngoại đạt 35,9 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn FDI tập trung ở 19 ngành, trong đó, kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 3,05 tỷ USD.

Hoạt động đầu tư diễn ra sôi nổi

Ngoài ra, theo Công ty tư vấn dịch vụ bất động sản Colliers International - Việt Nam, trong năm qua, ước tính giá trị các thương vụ chuyển nhượng, M&A trong ngành bất động sản đạt 8 tỷ USD. 

Phần lớn các giao dịch đã diễn ra tại Hà Nội và Tp.HCM. Một số thương vụ lớn của các nhà đầu tư trong nước như Công ty Phát Đạt, An Gia, Novaland, Sun Group, Vingroup... Một số nhà đầu tư nước ngoài nổi bật như Mapletree, Keppel Land, Trung tâm thương mại Frasers, Hongkong Land, Lotte E&C... Phân khúc nhà ở vẫn là mục tiêu hấp dẫn nhất đối với M&A.

Công ty Savills thì đánh giá, 2017 là một năm khá thành công của các nhà đầu tư bất động sản trong nước lẫn quốc tế tại thị trường Việt Nam. Những cơ hội đầu tư mà các nhà phát triển nước ngoài hướng tới được phân loại theo cấp độ đầu tư, theo công ty hoặc dự án hoặc cấp độ kinh doanh trên thị trường chứng khoán hóa. 

Trong ba năm trở lại đây thì có thể chứng kiến được sự tham gia khá mạnh mẽ của các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc... trong khi ở thời điểm trước đó, mục tiêu chỉ xoay quanh việc thăm dò, tìm kiếm một cơ hội phát triển tại nước ta.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, phân tích, hoạt động của các nhà đầu tư Âu Mỹ có vẻ "khiêm tốn" hơn các nhà đầu tư châu Á do khác biệt văn hóa, xa về địa lý, vấn đề pháp lý sở tại. Tuy nhiên, dù không tham gia đầu tư vào xây dựng dự án, nhưng họ lại tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến bất động sản.

Những thương hiệu quản lý vận hành văn phòng, resort, khách sạn, căn hộ dịch vụ, trung tâm thương mại, tư vấn đầu tư, nghiên cứu thị trường, kết nối khu công nghiệp... đều là những đơn vị nổi bật đến từ châu Âu, châu Mỹ...

Lợi ích của dòng vốn ngoại

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, việc thu hút dòng vốn FDI và lượng khách du lịch quốc tế cao kỷ lục trong năm qua tạo sự kỳ vọng về tiềm năng tăng trưởng dài hạn và nhu cầu về văn phòng, mặt bằng sản xuất, chỗ ở, bất động sản lưu trú cho chuyên gia, người lao động và khách du lịch.

Về triển vọng của dòng vốn này, Công ty tư vấn quản lý bất động sản Jones Lang Lasalle cho biết, dự kiến, trong quý 1/2018 sẽ có nhiều dự án khổng lồ giới thiệu ra thị trường như dự án Gamuda - giai đoạn 4, Dahlia Homes, Nhà phố Him Lam Shophouse, Starlake – giai đoạn 2. 

Nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tăng lên trong phân khúc này. Dự án khổng lồ với diện tích hơn 2.000 ha ở huyện Đông Anh với quy mô đầu tư 4 tỷ USD của liên doanh Việt-Nhật giữa BRG và Sumitomo dự kiến sẽ là một trong những dự án trọng điểm trên thị trường trong năm tới.

Dự báo giá bán bất động sản sẽ theo xu hướng tăng do sự chuyển biến tích cực của thị trường, nhu cầu ngày càng tăng và chất lượng dự án tốt hơn. Các hiệp định hợp tác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong đó có Trung Quốc và các thành viên của Khối ASEAN tham gia, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng, đem lại rất nhiều lợi ích. 

Thứ nhất, khi sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem lại một nguồn lực phát triển bổ sung, giúp đẩy nhanh hơn nữa quá trình tăng trưởng của Việt Nam. 

Thứ hai, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ đem tới thị trường những chuyên môn, kinh nghiệm phát triển ở tất cả các lĩnh vực và phân khúc, giúp đưa thị trường bất động sản Việt Nam đến gần hơn với các nước phát triển trong khu vực. 

Thứ ba, việc thị trường trở nên đa dạng về thành phần tham dự sẽ hỗ trợ cho sự phát triển để trở thành một thị trường bền vững. 

Thứ tư, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ làm tăng tính cạnh tranh, cả lĩnh vực phân phối và phát triển, sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng, người mua nhà khi các công ty phải luôn trong một áp lực phát triển từ một thị trường lớn, từ đó phải tích cực tìm kiếm cho mình các giải pháp mới, không ngừng cải tiến hoạt động kinh doanh và sản phẩm. 

Thứ năm, việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản. Hệ thống tài chính - ngân hàng sẽ có thể sử dụng nguồn vốn cho các lĩnh vực khác như nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ, thay vì tập trung vào khu vực phát triển bất động sản.

Phan Dương

Theo TBKTVN