500.000 người chuyển giới ở Việt Nam mong đợi Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính
Ước tính tại Việt Nam có khoảng 300.000 – 500.000 người chuyển giới. Các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm người dễ bị tổn thương. Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính đã được Vụ pháp chế (Bộ Y tế) soạn thảo và trình Quốc hội.
Tại hội thảo ngày 2/11, bàn về Luật Chuyển đổi giới tính do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức tại TP.HCM. Thạc sĩ Định Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ, dự thảo dự kiến được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2018, nhằm kịp thời đáp ứng mong muốn của người chuyển giới được hòa nhập với xã hội và được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, với nhiều lý do đến nay Luật Chuyển đổi giới tính vẫn chưa được trình Quốc hội. Điều này đồng nghĩa với việc, hiện nay hàng trăm ngàn người chuyển giới vẫn tiếp tục chờ đợi và trì hoãn được hưởng các quyền công dân căn bản.
Đại diện Vụ Pháp chế cho biết, hiện nay việc tự điều trị hormone hay tự tiêm chích silicon và các dịch vụ y tế liên quan để phục vụ chuyển giới ở Việt Nam chưa được công nhận hợp pháp, nên thường xuyên dẫn đến các vụ sốc thuốc và tử vong. Vì thế, việc sớm có hành lang pháp lý dành cho những người chuyển giới sẽ đem đến sự bình đẳng, thoải mái trong tâm lý sống của bộ phận này.
Bàn về Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, còn nhiều quan điểm trái chiều và chưa nhận được sự đồng tình của đại đa số người chuyển giới. Cụ thể, tại điểm 5 Điều 2 Dự thảo quy định: “Can thiệp y học để chuyển giới tính là một hoặc toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh dục đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện”.
Chia sẻ về điểm này, đa số người chuyển giới tỏ ra chưa hài lòng. Bởi, theo đó các cá nhân muốn được thừa nhận là người chuyển đổi giới tính bắt buộc phải điều trị nội tiết tố sinh dục và phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục.
Với quy định này, dự thảo sẽ dẫn đến rất nhiều người chuyển giới ở Việt Nam có nguy cơ không được hưởng lợi từ Dự thảo Luật này. Vì nhiều vấn đề về kinh tế, sức khỏe từng người không đáp ứng với hormone…
Đại diện SCDI cho biết, nếu Luật có thể thay đổi được điểm này, sẽ mang tính tiến bộ và nhân văn cao. Bởi theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đã công nhận về mặt pháp lý đối với người chuyển giới mà không cần trải qua quá trình điều trị hormone và phẫu thuật.
Kim Ngọc
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội