Yếu tố then chốt để giảm lãi suất cho vay
Mức lãi suất cho vay thực của Việt Nam dù không quá cao, song vẫn là điều nhiều doanh nghiệp băn khoăn...
Mức lãi suất cho vay thực của Việt Nam dù không quá cao, song vẫn là điều nhiều doanh nghiệp băn khoăn. Vậy nguyên nhân từ đâu và giải pháp nào góp phần giảm lãi suất cho vay đang là vấn đề được thị trường và doanh nghiệp quan tâm.
Lãi suất cho vay thực là lãi suất cho vay danh nghĩa loại trừ yếu tố lạm phát. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) giai đoạn 2014-2018, khi so sánh Việt Nam với một số nước trong khu vực (Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) và cùng mức thu nhập, có thể thấy lãi suất cho vay thực của Việt Nam (tính bằng nội tệ) ở mức trung bình cao (4,96%/năm so với mức bình quân của 10 quốc gia là 4,39%) nhưng thấp hơn khá nhiều so với nhóm các nước có cùng mức thu nhập (7,35%/năm).
4 nguyên nhân chủ chốt
Trước câu hỏi "Đâu là nguyên nhân khiến lãi suất cho vay thực tại Việt Nam còn cao?", báo cáo nghiên cứu chuyên sâu vừa được TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV công bố đã chỉ ra 4 nguyên nhân chủ chốt:
Đầu tiên là lạm phát của Việt Nam còn ở mức khá cao. Thực tế cho thấy, lạm phát là một trong những yếu tố có tác động lớn đến lãi suất huy động tại Việt Nam, khi mà hệ số tương quan giữa lãi suất huy động và lạm phát là thuận chiều và ở mức 0,3 cao hơn nhiều so với: Thái Lan là -0,34; Singapore -0,03; Malaysia -0,93; Hàn Quốc -0,76 và Trung Quốc -0,34.
Tiếp đến là lãi suất huy động thực tại Việt Nam ở mức cao. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2014 - 2018, lãi suất huy động thực của Việt Nam luôn được đảm bảo "dương", một phần là do tư duy điều hành cũng như tâm lý của người gửi tiền. Lãi suất huy động thực trung bình của Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu ở mức 2,58%/năm, chỉ thấp hơn so với Indonesia (3,26%), Myanmar (2,61%), nhưng cao hơn nhiều so với Thái Lan, Singapore, Philippines thậm chí có lãi suất huy động thực âm.
Lạm phát kiểm soát của Việt Nam trong năm được xác định ở mức 3 - 4% cùng với mức mất giá VND cũng được kỳ vọng ở mức 2 - 3% đã khiến mức lãi suất huy động danh nghĩa yêu cầu của người gửi tiền rất khó thấp hơn 5%.
Với mức lãi suất cho vay thực và huy động thực của Việt Nam là như vậy, nhiều người đặt câu hỏi về khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng, cụ thể là chênh lệch lãi suất đầu vào-đầu ra ròng (NIM) của Việt Nam sẽ như thế nào. Thống kê của WB cho thấy, NIM của các ngân hàng Việt Nam là tương đối thấp so với khu vực và các nước cùng mức thu nhập.
Một nguyên nhân nữa được chỉ ra là rủi ro ở mức cao. Đối với rủi ro nền kinh tế, theo kết quả định hạng tín nhiệm đối với nền kinh tế Việt Nam của ba tổ chức định hạng tín nhiệm quốc tế (Moody's, Fitch, S&P;), Việt Nam vẫn nằm ở mức "dưới đầu tư" trong các kỳ rà soát định hạng vừa qua.
Nguyên nhân cuối cùng là chi phí giao dịch của nền kinh tế còn cao. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp sẽ chịu 2 loại chi phí giao dịch chính. Thứ nhất là chi phí chính thức (chi phí nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật, phí, lệ phí phải nộp...); thứ hai là chi phí không chính thức (doanh nghiệp tự nguyện hoặc bị ép buộc chi trả cho cơ quan, cá nhân có liên quan trong quá trình giao dịch).
Trong những năm gần đây với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm đáng kể, tuy nhiên trong một số hoạt động thì chi phí tuân thủ vẫn còn tương đối lớn.
Còn với chi phí không chính thức, Báo cáo PCI 2018 của VCCI cho thấy chi phí không chính thức dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao (54,8% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, 58,2% doanh nghiệp cho biết tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu...).
Giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp?
Từ những phân tích trên, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng, để giảm lãi suất cho vay một cách căn cơ, Việt Nam cần làm tốt 3 điểm sau:
Đầu tiên là cần tăng cường kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô. Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện điều này là sớm thay đổi cách thức đặt mục tiêu lạm phát. Với cách xác định mục tiêu cứng như hiện nay dễ phát tín hiệu sai cho nền kinh tế khi hiểu thành lạm phát mục tiêu ở mức 4%.
Thay vào đó, các cơ quan quản lý nên công bố mức lạm phát mục tiêu và lạm phát kiểm soát. Khi đó thị trường và người dân sẽ tiếp nhận tín hiệu chính xác hơn.
Đồng thời, phối hợp chính sách (nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách giá cả) tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa, nhất là trong khâu phát hành trái phiếu Chính phủ, khâu trung hòa lượng tiền từ cổ phần hóa, thoái vốn và điều chỉnh giá dịch vụ công do Nhà nước quản lý.
Tiếp đến là giảm mức độ rủi ro của nền kinh tế và tổ chức, doanh nghiệp. Từ những khuyến nghị của các tổ chức định hạng quốc tế và thực trạng doanh nghiệp hiện nay, TS.Cấn Văn Lực và nhóm cộng sự cho rằng, Việt Nam nên tập trung: thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia một cách thực chất, lâu bền; đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, các tổ chức, thị trường then chốt lành mạnh hơn; tăng các gối đệm, tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài, trong đó cần tập trung đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân sách nhà nước...;
Tăng năng lực tài chính, quản lý rủi ro của doanh nghiệp; tăng cường minh bạch hóa thông tin của nền kinh tế và doanh nghiệp, giúp các tổ chức định hạng, nhà đầu tư có cơ sở đánh giá rủi ro chính xác và tốt hơn...
Cuối cùng, để giảm chi phí giao dịch của nền kinh tế có nhiều việc cần làm nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy: "minh bạch hóa thông tin, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thay đổi cơ chế tiền lương của công chức viên chức là 3 biện pháp mạnh góp phần đẩy lùi tham nhũng và chi phí không chính thức".
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường