Lãi suất vay mua nhà 0% dễ dẫn người mua vào bẫy nợ
Tâm lý người dân mua nhà nghe lãi suất thấp đều ham, nhanh chóng ký cho xong hợp đồng mà không tìm hiểu kỹ.
Mua nhà lãi suất 0% được nhiều chủ đầu tư và ngân hàng áp dụng trong vài năm trở lại đây. Tâm lý người dân mua nhà nghe lãi suất thấp đều ham, nhanh chóng ký cho xong hợp đồng mà không tìm hiểu kỹ. Trong khi đó, theo các chuyên gia thì đây là “cái bẫy” về lãi suất mà nhiều người đã “sập”.
Vay mua nhà với lãi suất 0% được quảng cáo rầm rộ. Chẳng hạn, theo quảng cáo, khi vay mua nhà tại dự án Safira Khang Điền (Q.9, TP.HCM), khách hàng được hỗ trợ vay với lãi suất 0% trong vòng 36 tháng từ lúc ký hợp đồng đến khi kết thúc dự án (dự kiến thời gian nhận nhà là quý III/2020). Cụ thể, khách phải thanh toán 30% trị giá căn nhà khi ký hợp đồng, sau đó trả tiếp 2% trong vòng 12 tháng đầu, trả 37% đến khi bàn giao nhà và 5% còn lại đến khi có sổ đỏ. Người mua nhà được hỗ trợ vay ngân hàng Vietcombank, VietinBank lên đến 70%...
Lãi suất thông thường khi mua nhà được các ngân hàng thương mại áp dụng khoảng 7-10%/năm nên với lãi suất 0%, nếu mua một căn nhà khoảng 2 tỷ đồng, khách hàng vay tối đa 70% giá trị căn nhà, sẽ giảm được hàng trăm triệu đồng tiền lãi suất mỗi năm.
Tuy nhiên, thực tế, đây là những cạm bẫy về lãi suất. Đầu tiên, các dự án quảng cáo mức lãi suất 0% có thể lên tới 18-24 tháng, nhưng nhiều dự án chỉ hoàn thiện trong nửa thời gian thi công dự kiến, nên thực tế, khách hàng chỉ được hưởng mức lãi suất 0% trong khoảng thời gian rất ngắn. Thứ hai, sau thời gian được hỗ trợ vay với lãi suất 0%, lãi suất sẽ về mức thả nổi theo quy định của ngân hàng. Trong khi đó, biên độ thả nổi này thường được nhân viên tư vấn miệng, đến khi ký hợp đồng xong, khách hàng mới biết mức lãi suất không giống như nhân viên tư vấn hoặc không thể hiện rõ trong hợp đồng. Lãi suất thả nổi này sẽ được áp dụng theo công thức: lãi suất cơ sở cộng với biên độ.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho biết, mỗi ngân hàng quy định mức lãi suất cơ sở khác nhau, có ngân hàng quy định lãi suất cơ sở là tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hoặc tính bình quân lãi suất của bốn ngân hàng lớn thuộc khối Nhà nước rồi cộng thêm biên độ 3,5-4,5%. Mức biên độ thả nổi này thường rất cao. Mức lãi suất theo công thức này được điều chỉnh theo từng thời kỳ, tức lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng. Chính vì vậy, không ít người khi vay, thời gian đầu rất hào hứng vì lãi suất hấp dẫn, nhưng theo thời gian, tiền gốc không giảm, tiền lãi cứ tăng, người vay rơi vào bẫy lãi suất cao và mất khả năng chi trả.
Ngoài ra, phí phạt trước hạn của các gói vay ưu đãi này cũng thường cao hơn so với các gói vay thông thường, lên tới 4-5% để bù đắp rủi ro phát sinh về khoản vay. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các chủ dự án áp dụng mức lãi suất 0% nhằm giúp kích cầu người mua nhà. Người mua nhà sẽ không phải chịu áp lực tài chính cho đến khi bàn giao nhà. Nhưng, với một số dự án, đây chỉ là chiêu quảng cáo để lấy lòng tin khách hàng, nhằm huy động vốn đầu tư xây dựng ban đầu.
“Khi mua nhà, người vay không được nhìn vào thời gian ưu đãi ban đầu vì thường rất ngắn. Do đó, nên hỏi rõ là thời gian ưu đãi bao lâu, sau đó lãi suất thực tế tính theo công thức nào, biên độ bao nhiêu cho toàn bộ khoản vay. Hiện có hai hình thức tính lãi suất: dư nợ giảm dần và dư nợ ban đầu. Một số ngân hàng công bố lãi suất vay chỉ 7-8%/năm để đánh vào tâm lý ham rẻ, nhưng lại tính theo dư nợ gốc ban đầu. Kết quả, khoản tiền phải trả có khi còn cao hơn mức lãi suất 10-11% tính theo dư nợ giảm dần” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.
Thanh Hoa
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm