Yêu cầu nghệ sĩ Việt minh bạch khi từ thiện, không quảng cáo sai sự thật
Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị ban hành có nội dung yêu cầu nghệ sĩ không phát ngôn phản cảm, phải minh bạch từ thiện, không quảng cáo "bậy"…
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ đang ở giai đoạn hoàn thiện. Đối tượng áp dụng không chỉ là nghệ sĩ hoạt động trong đơn vị công lập, còn bao gồm toàn bộ nghệ sĩ tự do, không thuộc biên chế nhà nước.
Dự thảo đưa ra quy tắc ứng xử chi tiết của nghệ sĩ trong hoạt động nghề nghiệp, trong ứng xử với đồng nghiệp, trong ứng xử với công chúng, và trong ứng xử trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội.
Trong hoạt động nghề nghiệp, dự thảo đưa ra quy tắc cho nghệ sĩ cần nỗ lực sáng tạo các sản phẩm có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ; không ngừng học hỏi, trau dồi đạo đức, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghề nghiệp; có trách nhiệm bảo vệ những giá trị đạo đức cao đẹp, đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác trong xã hội...
Với đồng nghiệp, nghệ sĩ cần đoàn kết, tương thân, tương ái trong hoạt động nghệ thuật và cuộc sống; và không thực hiện các hành vi cổ súy, bày tỏ quan điểm, bình luận gây mâu thuẫn, công kích, bài xích, cạnh tranh không lành mạnh. Với công chúng, nghệ sĩ cần tôn trọng, tận tâm cống hiến, đúng mực, lịch sự, thân thiện, lắng nghe ý kiến đóng góp của khán giả để hoàn thiện bản thân; trung thực, không lợi dụng sự nổi tiếng, danh nghĩa nghệ sĩ để trục lợi cá nhân.
Trong hoạt động xã hội, nghệ sĩ phải có trách nhiệm tích cực, đóng góp cho cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng; có lối sống trong sáng, lành mạnh, giữ gìn hình ảnh trước công chúng và xã hội; phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng.
Nội dung dự thảo nhấn mạnh nghệ sĩ không tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, không thực hành, ủng hộ hoạt động mê tín dị đoan, không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật, và phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện.
Dự thảo cũng quy định trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội, nghệ sĩ phải trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, trái thuần phong mỹ tục khi tham gia hoạt động báo chí, truyền thông và mạng xã hội.
Nghệ sĩ không đăng tải, lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng. Đồng thời, không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền, lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây ảnh hưởng an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.
Chia sẻ thêm với phóng viên Dân trí về dự thảo Bộ quy tắc ứng xử, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho rằng đây là cái khung để nghệ sĩ ứng xử có văn hóa, không phải quy phạm pháp luật nên không có phần xử phạt hay căn cứ để "phong sát"…
"Đây là cái khung để nghệ sĩ phải tuân thủ, thực thi theo quy định pháp luật liên quan đến hoạt động biểu diễn và đảm bảo, giữ gìn hình ảnh, để môi trường hoạt động nghệ thuật ngày càng tốt hơn, ngành văn hóa ngày càng phát triển", ông Trần Hướng Dương nói.
Trước ý kiến cho rằng điểm yếu của bộ quy tắc là không có chế tài cấm diễn, cấm sóng, ông Trần Hướng Dương cho biết đã có những quy định pháp luật về việc này, đồng nghĩa với việc nghệ sĩ nếu vi phạm những điều cấm thì vẫn sẽ bị cấm diễn như thường.
"Điều 3 của Nghị định 144 về hoạt động biểu diễn đã nêu rõ những vấn đề khi tham gia nghệ thuật biểu diễn thì không được làm. Nghệ sĩ phải chấp hành các quy định của pháp luật", ông Dương khẳng định.
Nhắc lại những ứng xử của nghệ sĩ từng khiến dư luận phản ứng, tạo hình ảnh xấu về giới hoạt động nghệ thuật trong mắt công chúng, ông Dương cho rằng, cần có sự chung tay, vào cuộc của các tổ chức, hội sân khấu nghề nghiệp khác nhau.
"Như tôi đã chia sẻ, có những trường hợp tuy chưa có quy định pháp luật rõ ràng nhưng các cơ quan đoàn thể cũng nên cảnh báo với cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ, trường hợp nghệ sĩ Minh Béo bị kết tội ấu dâm tại Mỹ thì khi về Việt Nam sẽ thế nào. Theo tôi, các cơ quan tổ chức đại diện cho trẻ em nên lên tiếng, ví dụ T.Ư Đoàn hay Cục Trẻ em của Bộ LĐ-TB-XH có thể có ý kiến để khi tổ chức biểu diễn, phát sóng thì không để gây ảnh hưởng…", ông Trần Hướng Dương nói.
Nguyễn Hằng
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch