Xuất khẩu tôm vẫn giảm, giá chưa thể phục hồi trong 2 tháng đầu năm
Hai tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn giữ xu hướng giảm do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài và các thị trường tiêu thụ còn hàng tồn kho.
Giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 373,6 triệu USD trong 2 tháng đầu năm nay, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP).
Ngành tôm vẫn chưa thể phục hồi trong hai tháng đầu năm nay do thời tiết đang thuận lợi nên nhiều cường quốc nuôi tôm lên kế hoạch phát triển nuôi mạnh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Nguồn cung tăng nên giá tôm chưa thể phục hồi, VASEP cho biết.
Riêng tại thị trường Mỹ, tôm Việt cũng chịu nhiều sức ép từ Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu Mỹ (SIMP), thuế chống bán phá giá cũng như giá tôm Ấn Độ thấp.
Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt sang 5 thị trường chính đều giảm.
Xuất khẩu sangLiên minh châu Âu (EU) giảm mạnh nhất là 27,6% và đạt 76,6 triệu USD, nhưng vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với thị phần 20,5%, theo số liệu của VASEP.
Anh là điểm sáng của tôm Việt tại thị trường EU với tổng kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm tăng 5%. Ngược lại, xuất khẩu sang hai thị trường lớn khác, Đức và Hà Lan, lần lượt giảm 16,6% và 47,5%.
Thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 2 của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay là Nhật Bản, với thị phần 18%. Xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm nhẹ 0,9% và đạt 67,7 triệu USD.
Tuy nhiên, Nhật Bản có xu hướng tăng nhập khẩu tôm Việt trở lại. Tháng 2, đây là thị trường duy nhất trong số 7 thị trường nhập khẩu tôm chính tăng mua từ Việt Nam với mức tăng 14,7%.
Xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản có dấu hiệu khả quan trong đầu năm nay nhờ Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ tháng 1. Bên cạnh đó, năm 2019 cũng đánh dấu hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế trong Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA).
Theo VASEP, đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung vào Nhật Bản khi thuế đối với tất cả mặt hàng thủy sản từ Việt Nam vào thị trường này về 0%.
Trung Quốc đứng thứ 3 về nhập khẩu tôm của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay, với tổng kim ngạch đạt 62,3 triệu USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, tôm Việt đang chịu sức ép cạnh tranh lớn về giá tại Trung Quốc, vì giá nhập khẩu tôm từ Ấn Độ và Indonesia luôn giữ ở mức thấp.
Với thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do, VASEP cho rằng mức giảm trong 2 tháng đầu năm nay chỉ là tạm thời và xuất khẩu tôm Việt sẽ tăng trở lại.
Ngoài ra, xét về cơ cấu xuất khẩu, tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 65,8%. Trong khi đó, tôm sú và tôm biển lần lượt chiếm 24,3% và 9,9%.
Phan Vũ
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường