Còn nhiều thách thức, ngành da giày vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 22 tỷ USD năm 2019
Tại hội nghị ngành da giày tổ chức ngày 20/3 tại TP.HCM, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) công bố nếu không quá nhiều trở ngại, trong năm 2019 giá trị xuất khẩu ngành da giày sẽ tăng tưởng 10-12% so với năm 2018, tức đạt từ 21-22 tỷ USD. Dù dự báo nhiều tín hiệu lạc quan song vẫn còn không ít thách thức, nhất là đối với các doanh nghiệp nội địa.
Số liệu từ Lefaso cho thấy, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng từ 19,5% (năm 2016) lên 21,2% (năm 2018) nhưng vẫn còn thua xa các doanh nghiệp FDI (chiếm đến 78,8% toàn ngành). Dù đã có dấu hiệu thể hiện sự khôi phục của các doanh nghiệp nội để rút dần khoảng cách nhưng sự chênh lệch vẫn còn quá lớn. Bởi, hiện nay có tới 70% doanh nghiệp nội địa dừng ở mức gia công CMT (cắt, may), còn lại 30% sản xuất nguyên liệu. Rất ít doanh nghiệp có thể tự sản xuất và thiết kế để tham gia toàn bộ chuỗi cung ứng.
Bà Nguyễn Phương Nga, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Hải Dương, chia sẻ: “Hải Dương hoạt động sản xuất giày dép hơn 35 năm, chủ yếu gia công cắt may theo các đơn hàng từ những thị trường Mỹ, EU... Tuy nhiên, yêu cầu kỹ thuật cũng rất cao, doanh nghiệp phải đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân hàng năm mới đáp ứng đủ yêu cầu của quốc gia đặt hàng”.
Dù đã có sự cải thiện rõ rệt nhưng không thể chối cãi việc trình độ sản xuất của doanh nghiệp da giày nội địa hiện nay còn quá thấp, chủ yếu lao động chân tay với tay nghề còn yếu kém, chưa phát huy ứng dụng công nghệ cao vào dây chuyền sản xuất và việc quá phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào khiến doanh nghiệp khó xoay xở khi có biến cố, chi phí sản xuất cũng vì vậy tăng cao gây áp lực cho doanh nghiệp.
Khó khăn còn nhiều nhưng ngành da giày Việt Nam đã có những điểm sáng đáng ghi nhận. Theo Lefaso, hiện nay Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về sản lượng xuất khẩu giày dép ra thị trường thế giới với khoảng hơn 1 tỷ đôi các loại mỗi năm. Đáng lưu ý, giá xuất khẩu trung bình của thế giới là 9,81 USD/đôi, giá của Việt Nam là 15 USD/đôi, cao gấp 1,6. Như vậy, chất lượng sản phẩm giày dép của Việt Nam đã được cải thiện và ghi nhận.
Phó Chủ tịch Lefaso - ông Diệp Thành Kiệt cho hay, việc Mỹ tăng cường chính sách bảo hộ thương mại, cụ thể là loại bỏ GPS (ưu đãi thuế) đối với 2 thị trường xuất khẩu giày dép hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn đến sự dịch chuyển lượng lớn các đơn hàng sang Việt Nam. Bên cạnh đó, với 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực, ngành giày dép Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi thuế suất hơn 90% dòng sản phẩm, trong đó có các sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế 0%.
Ngoài ra, nhiều thị trường lớn như Canada, Mexico dù chưa ký Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam nhưng đang có lượng đơn hàng rất lớn và dự báo là những thị trường mang lại kỳ vọng cho ngành.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso, cho rằng việc đặt ra mục tiêu 22 tỷ USD cho xuất khẩu giày dép, túi xách năm 2019 là hoàn toàn có khả năng, khi chưa hết quý 1/2019 giá trị xuất khẩu đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ.
Mức chênh lệch hiệu suất giữa công nhân Việt Nam và công nhân Trung Quốc là 30-35%. Tuy nhiên mức lương phải trả cho công nhân Trung Quốc gấp đôi Việt Nam. Vì thế, về khoản lao động giá rẻ ở Việt Nam vẫn còn nhiều khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư. Đối với các quốc gia mạnh về da giày như Ấn Độ và các nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn còn lợi thế rất lớn về nguồn lao động giá rẻ.
Quan trọng hơn, thời gian tới Việt Nam sẽ tiến hành nhiều biện phải cải thiện năng suất lao động, cải cách môi trường kinh doanh và đặc biệt sẽ hợp tác lớn với Ý thành lập Trung tâm nghiên cứu về ngành da giày. Đây dự kiến là bước ngoặt mới cho khâu thiết kế, sáng tạo mẫu mã, kiểu dáng cho doanh nghiệp
trong nước.
Riêng nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành cũng dần ổn định hơn trước, việc phụ thuộc từ 70-80% đã giảm còn 50-60%, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cũng tăng trưởng và được đầu tư đúng mức.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo phía Lefaso, trong năm 2019, tiến hành nghiên cứu dự án tác động công nghiệp 4.0 vào ngành da giày Việt Nam, qua đó nâng cao chất lượng sản xuất và giá trị sản phẩm ngành. Đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nội với doanh nghiệp FDI vào chuỗi cung ứng toàn cầu để rút dần khoảng cách.
Kim Ngọc
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường