Xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42: Nút thắt tài sản đảm bảo
Nếu thị trường bất động sản suy yếu, khoản tín dụng này có nguy cơ trở thành nợ xấu.
Tính đến 31/1/2019, ước tính toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu, ước đạt trên 40,1% tổng số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42. Riêng năm 2018 đã xử lý được 113,4 nghìn tỷ đồng, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng ước đạt 117,2 nghìn tỷ đồng.
Có vướng mắc
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng, tại họp báo hôm 1.4, cho biết, kết quả xử lý nợ xấu là rất khả quan. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đang được duy trì dưới 2%.
Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh, đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bà Hồng tin rằng ngay sau khi có Nghị quyết 42, những vướng mắc, khó khăn trong xử lý nợ xấu đã được khắc phục một phần cơ bản. Nhưng bà cũng thừa nhận một thực tế “vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, chủ yếu là những vấn đề liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo”.
Rủi ro tiềm ẩn
Điểm mạnh của hệ thống tài chính Việt Nam hiện nay là tăng trưởng tốt, thị trường tiềm năng, với tăng trưởng tín dụng năm 2018 ở mức 13,30%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, tổng dư nợ tín dụng của khu vực ngân hàng Việt Nam vẫn cao hơn các quốc gia có cùng thu nhập, làm gia tăng rủi ro tài chính đối với hệ thống, theo “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2018” của Đại học Kinh tế Quốc dân.
Về cơ cấu tín dụng theo lĩnh vực, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tín dụng bất động sản chiếm khoảng 16,6% tổng tín dụng của toàn hệ thống, cho vay phục vụ đời sống chiếm 18.8%.
Theo báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tỷ trọng tín dụng đi vào khu vực bất động sản năm 2018 cao hơn năm 2017, chưa kể phần núp bóng dưới dạng tín dụng tiêu dùng.
Khi thị trường bất động sản trở nên suy yếu, khoản tín dụng này có nguy cơ trở thành nợ xấu, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cảnh báo. Thực tế, tín dụng tiêu dùng đang là một trong các động lực dẫn dắt tăng trưởng hệ thống ngân hàng, nhưng loại tín dụng này lại tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, chưa bao gồm nợ xấu đã bán cho VAMC, đã giảm nhẹ xuống khoảng 2,4% vào tháng 6/2018 so với mức 2,5% năm 2017.
Tỷ lệ nợ xấu bao gồm cả nợ xấu đưa vào VAMC, các khoản vay ngân hàng có nguy cơ thành nợ xấu trong ngắn hạn, ước tính khoảng 6,5% tổng dư nợ vào tháng 6.2018, giảm so với mức 10% vào tháng 12/2016.
Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ dự phòng rủi ro trên dư nợ xấu đã tăng từ mức 65.4% năm 2017 lên mức 78,2% năm 2018. Thêm nữa, giá trị xử lý nợ xấu, không bao gồm nợ bán cho VAMC, năm 2018 cũng tăng khoảng 30% so với năm 2017.
Nhiều rủi ro, song biện pháp được các ngân hàng sử dụng để xử lý nợ xấu vẫn là sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu hồi nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản đảm bảo chiếm 3% và các hình thức khác.
Hải Vân
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường