Tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Những năm gần đây, hoạt động cho vay tiêu dùng đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, mang lại cơ hội sử dụng dịch vụ tài chính cho những người có thu nhập trung bình thấp. Đồng thời, giúp người nghèo tránh được vòng luẩn quẩn khi phải đi vay "tín dụng đen" với lãi suất quá cao.
Nhóm khách hàng của tài chính tiêu dùng chủ yếu là những người có thu nhập thấp và trung bình, không có tài sản thế chấp và không chứng minh được thu nhập để đáp ứng các quy định khắt khe và chuẩn cho vay khá cao từ các ngân hàng. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn phục vụ chi tiêu hàng ngày của nhóm khách hàng "phi chuẩn" này là rất lớn, đa dạng trên mọi mặt đời sống…
Hiện nay, ngoài việc kết hợp với các doanh nghiệp điện máy, bán lẻ cho vay mua trả góp hàng hóa, các công ty tài chính đang triển khai nhiều gói vay phù hợp cho từng nhu cầu cụ thể của người dân.
Gần đây nhất, hoạt động cho vay tiêu dùng đã nhảy vào lĩnh vực thẩm mỹ, giúp nhiều chị em có cơ hội chăm sóc sắc đẹp. Theo tính toán chưa đầy đủ, các công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam đang phục vụ khoảng gần 30 triệu khách hàng trên toàn quốc.
Động lực thúc đẩy nền kinh tế
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu như những năm 2013 - 2014 tốc độ tăng tín dụng tiêu dùng trung bình chỉ khoảng 15%/năm, thì giai đoạn 2015-2017 đã lên tới 61,3%/năm, riêng năm 2018 khoảng 29,3% cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng tín dụng chung và chiếm tỷ trọng khoảng 19,7% tổng dư nợ toàn hệ thống.
"Tín dụng tiêu dùng thúc đẩy tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thông qua tác động lên tổng cầu. Những năm gần đây, tín dụng tiêu dùng đã tăng với tốc độ cao gấp nhiều lần tốc độ tăng của cấu phần tiêu dùng cuối cùng trong GDP (năm 2018 là 29% và 7% tương ứng), điều đó cho thấy tín dụng tiêu dùng đang là công cụ quan trọng để hỗ trợ cấu phần tiêu dùng trong GDP", ông Nguyễn Tú Anh cung cấp thông tin.
Từ những số liệu trên có thể thấy, tín dụng tiêu dùng là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, đảm bảo quá trình tái sản xuất diễn ra liên tục, tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức cho người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng dưới chuẩn vay ngân hàng, góp phần đẩy lùi "tín dụng đen"; giúp người có thu nhập thấp giải quyết các nhu cầu cuộc sống cấp bách, có điều kiện tích lũy tài sản…
Khẳng định điều này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng: Sự nổi lên của tầng lớp thu nhập trung bình ở Việt Nam trong thập niên qua đã kéo theo sự thay đổi đáng kể về hành vi tiêu dùng đó chính là: Không nhất thiết phải là "tiết kiệm trước, tiêu sau", mà có thể là "vay mua trước, trả sau".
Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đối với các khoản vay giá trị nhỏ; việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng chính thức còn thiếu bao trùm (inclusive) khi học sinh, sinh viên, nông dân được vay rất ít; ngay cả với khách hàng được vay, nhu cầu tín dụng còn chưa được đáp ứng đầy đủ khi trên 50% khách hàng tại công ty tài chính và 60% tại ngân hàng thương mại chỉ được đáp ứng dưới 2/3 nhu cầu vốn, cho thấy dư địa cho thị trường tài chính tiêu dùng là rất lớn.
"Nghĩa là, phát triển tài chính tiêu dùng không chỉ đẩy lùi "tín dụng đen", mà còn là một con đường, một động lực, một cách thức để phát triển kinh tế - xã hội, mở ra một cơ hội nâng cao phúc lợi cho người dân", TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.
Góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện
Các nghiên cứu từ thực tiễn của Ngân hàng Thế giới (WB) trong nhiều thập kỷ qua khẳng định, tình trạng thiếu khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính của các nhóm đối tượng thu nhập thấp trong xã hội là nguyên nhân quan trọng dẫn tới bất bình đẳng thu nhập và suy giảm tăng trưởng một cách dai dẳng. Vì vậy, phát triển tài chính toàn diện được coi là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Như nhiều nước trên thế giới, những năm gần đây, Việt Nam rất quan tâm đến phát triển tài chính toàn diện để đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính của mọi thành viên, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp dễ bị tổn thương trong xã hội.
Ngay từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1726 phê duyệt "Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đây là một trong những Đề án rất quan trọng đối với nền kinh tế nói chung, nhất là đối với ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Hiện, Chính phủ đang giao Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu mối xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.
Ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, nói: "Một xã hội với cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính mở rộng cho tất cả mọi người sẽ thúc đẩy sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng nói chung, cải thiện công bằng và bình đẳng, năng lực của toàn xã hội cũng theo đó được nâng lên".
Vân Anh
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm