Xử lý nợ xấu nền kinh tế: Cần sớm hình thành thị trường mua - bán nợ
Hiện nay, mặc dù đã có cơ chế được mua nợ theo giá thị trường nhưng kết quả đạt được rất thấp, 9 tháng đầu năm 2018, mua nợ theo giá thị trường mới chỉ đạt 427 tỷ đồng.
486 nghìn tỷ đồng chưa phản ánh hết nợ xấu của nền kinh tế
Trên thực tế, quá trình xử lý nợ xấu có chuyển biến rõ nét kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14. Theo đó, hàng loạt cơ chế được áp dụng như quyền thu giữ tài sản đảm bảo, thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, cho phép bán nợ theo giá thị trường, có thể cao hoặc thấp hơn dư nợ gốc…
Theo đó, con số nợ xấu đã có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố thì nợ xấu chiếm 4,86% năm 2012, giảm còn 2,34% năm 2017 và còn 2,09% vào tháng 6/2018.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó TGĐ Công ty mua bán nợ Việt Nam DATC, số liệu nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước công bố mới chỉ tính các khoản nợ xấu nội bảng mà không tính các khoản nợ được cơ cấu lại, các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Nếu tính cả các khoản nợ xấu này thì con số nợ xấu có sự thay đổi đáng kể: 8,6% năm 2012, giảm xuống còn 7,7% cuối năm 2017 và xuống còn 6,67% cuối tháng 6/2018, tương ứng với giá trị tuyệt đối 486.000 tỷ đồng.
Hiện nay, hầu hết các TCTD đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017 –2020. Trong đó, năm 2018 dự kiến xử lý được khoảng 20-30%, đến cuối năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu thực tế (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC) xuống dưới 3%.
Có điều, theo ông Thường, ngay cả khi tính cả các khoản nợ đã bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu (486.000 tỷ đồng) thì số liệu trên mới phản ánh quy mô nợ xấu trong các tổ chức tín dụng chứ chưa phản ánh hết mức độ nợ xấu của nền kinh tế. “Cách nhìn của DATC về nợ xấu của nền kinh tế không chỉ có nợ xấu của tổ chức tín dụng mà còn các khoản nợ có tính “Nhà nước” và các khoản cấp vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp. Ở một góc độ nào đó, dưới cách nhìn của DATC, nợ xấu cần xử lý phải được xem xét từ phương diện nợ phải trả của doanh nghiệp” – ông Thường cho hay.
Cần sớm hình thành thị trường mua – bán nợ
Theo các chuyên gia, mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng tiến trình xử lý nợ xấu tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra. Trong đó, một trong những vấn đề quan trọng là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và đồng bộ. Cơ chế chính sách chủ yếu tập trung vào xử lý nợ bằng các phương pháp nghiệp vụ và mang tính hỗ trợ của Nhà nước mà chưa hướng đến thiết lập một thị trường hàng hóa nợ.
Theo ông Phạm Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), trên thị trường mua bán nợ Việt Nam hiện nay, các chủ thể tham gia thị trường rất hạn chế. Bên mua nợ, ngoài công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thì có hơn 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) thuộc các ngân hàng thương mại.
Bên bán nợ cũng thuộc nhóm đối tượng hẹp gồm các TCTD bán nợ cho VAMC, DATC hoặc các AMC. Thị trường mua bán nợ đang thiếu vắng các nhà môi giới, định giá tài sản chuyên nghiệp, các nhà đầu tư có tổ chức, các AMC tư nhân và các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường. “Trong khi nguồn cung cho thị trường mua bán nợ rất dồi dào với tổng dư nợ 6 triệu tỷ đồng, bằng 125% GDP, trong đó nợ xấu và nợ tiềm ẩn là khoảng 8,61%, tương đương 566.000 tỷ đồng” – ông Phạm Tiến Đạt cho biết.
Ngoài ra, theo ông Phạm Tiến Đạt, hàng hóa giao dịch trên thị trường mua bán nợ còn chưa đa dạng, chủ yếu tập trung giảo quyết nợ xấu của TCTD và các DNNN.
Khung pháp lý quy định cho thị trường còn chưa được hoàn thiện. Cụ thể, theo ông Phạm Tiến Đạt, hiện nay, cơ chế xử lý nợ xấu của VAMC bằng cách phát hành trái phiếu đặc biệt, vì thế nợ chỉ được mua theo giá trị sổ sách và bị động trong xử lý thu hồi nợ. VAMC không phải trích lập dự phòng khi mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và cũng không chịu áp lực nợ xấu.
“Như vậy, việc xử lý nợ này vẫn chủ yếu là NHNN bơm tiền vào TCTD có nợ xấu lớn, dẫn đến quá trình xử lý nợ xấu chỉ tập trung và vấn đề kỹ thuật và khó mang lại hiệu quả cao. Kinh nghiệm ở hầu hết các quốc gia cho thấy AMC thưởng phải mua lại nợ xấu của ngân hàng bằng tiền thật, và sau đó tìm cách xử lý khoản nợ này” – ông Đạt nói.
Hiện nay, mặc dù đã có cơ chế được mua nợ theo giá thị trường nhưng kết quả đạt được rất thấp, 9 tháng đầu năm 2018, mua nợ theo giá thị trường mới chỉ đạt 427 tỷ đồng.
Riêng các TCTD, phần lớn nợ xấu là do các tổ chức này tự xử lý qua dự phòng rủi ro, thu nợ từ khách hàng. Các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo… chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Vì vậy, theo ông Đạt, để đẩy nhanh hơn nữa quá trình xử lý nợ xấu, cần hình thành thị trường mua bán nợ với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trong khi đợi khuôn khổ pháp lý hình thành, ông Đạt cho rằng cần phải phát huy vai trò chủ đạo của tổ chức mua bán nợ như VAMC, DATC, tạo điều kiện để thị trường hoạt động và thu hút các chủ thể mới tham gia, đa dạng hóa các sản phẩm nợ và phương thức xử lý nợ.
Linh Nhật
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường