Vụ mua bán 100 USD bị phạt 270 triệu đồng: Có dấu hiệu bất thường?

Thứ năm, 25/10/2018, 09:43 AM

Vụ “bắt quả tang” mua bán 100 USD ở Cần Thơ xảy ra ngày 31/1/2018, nhưng hơn 6 tháng sau, ngày 13/8/2018 cơ quan công an mới lập biên bản vi phạm, và ngày 4/9/2018 ra quyết định xử phạt hành chính.

Tiệm vàng Thảo Lực. Ảnh: Kim Hà

Tiệm vàng Thảo Lực. Ảnh: Kim Hà

Vụ “bắt quả tang” đã được chuẩn bị trước?

Trưa 30/1/2018, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế TP Cần Thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực, tại quận Ninh Kiều, khi đang thu mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê (một thợ điện người địa phương), với giá 2.260.000 đồng. Lý do đơn vị này không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Công an ngay sau đó cũng tiến hành khám xét nhà của ông Lực nhưng không thu được thêm bất kỳ đồng ngoại tệ nào nữa. Tuy nhiên lực lượng này đã thu giữ 20 viên kim cương, 19.910 viên đá quý, toàn bộ vàng trắng vì “Không có chứng từ, nhãn mác bằng tiếng nước ngoài” tại tiệm vàng Thảo Lực.

Đầu thu camera an ninh cũng bị công an tháo gỡ mang đi. Đáng chú ý, mãi đến hơn 6 tháng sau (ngày 13/8/2018) cơ quan công an mới lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của ông Hồng Lực và ông Cà Rê.

Hồ sơ vụ việc sau đó chuyển qua cho TP Cần Thơ. Ngày 4/9/2018, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Hoài Nam ký các quyết định hành chính phạt ông Nguyễn Cà Rê 90 triệu đồng và phạt bổ sung với hình thức tịch thu 2.260.000 đồng (được qui đổi từ mệnh giá 100 USD). Chủ tiệm vàng Thảo Lực bị phạt gấp đôi với số tiền 180 triệu đồng.

Sau khi báo chí đưa tin vụ việc trên, nhiều ý kiến cho rằng phạt người bán như thế là quá nặng tay. Bởi thực tế việc mua bán ngoại tệ diễn ra hàng ngày, hàng giờ gần như công khai tại các tiệm vàng, góc phố chợ, vùng biên giới... Tiền của anh thợ điện kia là tiền của người thân tặng.

Trước phản ứng của dư luận, ông Trương Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói: Người đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Hành vi trên được quy định tại điểm a, Khoản 3 Điều 124 Nghị định 96/2014/NĐ-CP. Hành vi này chỉ có một khung phạt duy nhất từ 80 - 100 triệu đồng. Do đó, theo đề nghị của Công an TP Cần Thơ, UBND thành phố đã ra mức xử phạt 90 triệu đồng.

Theo các qui định, ông Rê có thể nộp tiền phạt nhiều lần, đề nghị hoãn, giảm, hoặc miễn tiền phạt. “Nếu ông Rê có yêu cầu, UBND thành phố sẽ xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”, ông Nam cho hay.

Có thể kiện ra tòa

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức - Đoàn luật sư TP Cần Thơ, quyết định xử phạt anh Nguyễn Cà Rê theo Nghị định 96 năm 2014 là không sai. Tuy nhiên nghị định này cần phải được xem xét đánh giá toàn diện theo hướng sửa đổi bổ sung, vì nó không đi vào thực tiễn cuộc sống.

Ví dụ khi đi đổi vài chục, vài trăm USD chẳng ai yêu cầu phải xuất trình giấy tờ này nọ. Nếu bị vi phạm bị chế tài xử phạt lên đến 90 triệu đồng là quá lớn và việc thực thi, thực hiện quyết định này có khả thi hay không?

UBND TP Cần Thơ xử phạt là không sai, nhưng đối với thực tiễn cuộc sống thì có rất nhiều bất cập, cho nên phải nghiêm túc đánh giá lại nghị định đó và sửa đổi bổ sung cho sát với thực tiễn đời sống.

Trong khi đó, liên quan đến quy trình, thủ tục xử lý xử phạt hành chính và khám xét nhà, thu giữ tài sản đối với chủ tiệm vàng Thảo Lực, luật sư Nguyễn Trường Thành - Trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý đặt vấn đề: Vì sao vụ việc vi phạm hành chính xảy ra được công an phát hiện cuối tháng 1/2018 mà mãi tới giữa tháng 8/2018 mới lập biên bản? Pháp lệnh xử phạt hành chính nêu rõ: Hành vi hành chính phải được người có thẩm quyền kịp thời lập biên bản. Cần làm rõ về trình tự thủ tục khám xét vi phạm hành chính công an làm có đúng không? Từ đó xác định thời hiệu ban hành quyết định xử phạt hành chính có còn không. Về pháp lý, chủ tiệm vàng và người đổi 100 USD có quyền kiện ra tòa về tính hợp pháp quyết định xử phạt hành chính của UBND TP Cần Thơ.

Công an Cần Thơ khẳng định đúng quy trình

Chiều ngày 24/10, Công an TP Cần Thơ tổ chức họp báo xoay quanh vụ việc xử phạt cá nhân, doanh nghiệp mua bán ngoại tệ không có giấy phép gây xôn xao dư luận trong những ngày qua.

Tại buổi họp báo, thượng tá Trần Văn Dương - Trưởng phòng tham mưu, người phát ngôn của Công an TP Cần Thơ cho biết: Quá trình xác minh và làm việc, tổ chức, cá nhân nói trên đã thừa nhận hành vi sai phạm. Công an TP Cần Thơ có đầy đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm và đã tham mưu trình Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng thẩm quyền.

Vụ việc được bắt quả tang vào ngày 30/1/2018 nhưng mãi đến ngày 04/9/2018 mới có quyết định xử phạt? Việc lệnh khám xét tiệm vàng Thảo Lực được ký trước ngày “bắt quả tang” hơn 1 tuần? Tại sao bắt quả tang mua bán ngoại tệ không phép, nhưng lại khám xét, tịch thu thêm 20 viên kim cương, 19.910 viên đá quý của tiệm vàng Thảo Lực?

Trả lời các câu hỏi trên, thượng tá Dương khẳng định: Về trình tự thủ tục, thẩm quyền là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật; cá nhân, tổ chức cũng thừa nhận hành vi của mình và tiệm vàng Thảo Lực đã chấp hành quyết định xử phạt, không khiếu nại gì. Quá trình điều tra vụ án kinh tế khá phức tạp, mất nhiều thời gian do đó vụ việc kéo dài.

“Vấn đề dư luận cho rằng anh Rê là “chim mồi” để xử lý tiệm vàng thì tôi hoàn toàn không biết được, đó thuộc về bí mật nghiệp vụ của các trinh sát. Nếu anh Rê là chim mồi thì tại sao anh ta phải bị xử phạt” - thượng tá Dương nói.

Việc 20 viên kim cương và gần 20 ngàn viên đá quý ở trong két sắt của gia đình không phải để bán mà được cho là tài sản riêng của hai vợ chồng, nhưng đã bị lực lượng chức năng tịch thu? Người phát ngôn Công an Cần Thơ cho rằng, doanh nghiệp này có thể khiếu nại theo đúng các quy định của pháp luật.

Thượng tá Trần Văn Dương (đứng) trả lời tại họp báo. Ảnh: Kim Hà

Thượng tá Trần Văn Dương (đứng) trả lời tại họp báo. Ảnh: Kim Hà

HỒNG LĨNH - KIM HÀ

Theo Tiền phong