Vụ gian lận điểm thi: Cần điều tra việc đưa, nhận hối lộ!
Gian lận điểm thi ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang liên quan đến hàng chục thí sinh là con của cán bộ địa phương có thế lực hoặc giàu có... Hiện nay, các đối tượng nâng điểm, sửa điểm đã bị xử lý, nhưng những người hưởng lợi từ việc sửa điểm vẫn nhởn nhơ khiến dư luận bức xúc.
Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng cần phải khẩn trương điều tra việc có hay không hành vi “mua điểm” của phụ huynh? Nếu có thì đây là dấu hiệu của tội đưa, nhận hối lộ hoặc tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác đề trục lợi” (Điều 358 BLHS) hoặc tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” (Điều 366 BLHS).
“Việc sửa điểm, gian dối trong thi cử nguy hiểm không chỉ đối với những ngành nghề các thí sinh đó đang học mà còn ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Đây là vấn đề cả chính quyền lẫn người dân đều quan tâm, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước. Nếu không giải quyết thỏa đáng sẽ làm mất niềm tin của người dân vào giáo dục, chính quyền và pháp luật, hậu quả để lại sẽ rất nghiêm trọng. Hiện cơ quan điều tra chỉ kết luận được rằng có hành vi nâng điểm bất thường đối với một số thí sinh, chưa kết luận được có “chạy điểm” hay không. Và thực tế cho thấy, những thí sinh này đều thuộc gia đình của cán bộ lãnh đạo, gia đình có thế lực, nên việc chạy điểm có khả năng xảy ra” - luật sư Hùng nêu quan điểm .
Theo luật sư Hùng, về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác đề trục lợi” thì cần xem xét ở hai hành vi: Thứ nhất là hành vi câu kết của người dân liên quan đến “chạy điểm”; hành vi thứ hai là dùng chức vụ, quyền hạn của mình gây ảnh hưởng đến người đang thực thi công vụ, tức trong vụ này là người đang quản lý và có khả năng sửa điểm thi, để người này làm việc sai trái, có lợi cho người “lợi dụng chức vụ”. Việc này, ta thấy các phụ huynh chỉ thực hiện mỗi hành vi thứ hai, nên cho dù họ là người có chức vụ, quyền hạn thì cũng không phạm tội quy định tại Điều 358 BLHS đã viện dẫn.
Tuy nhiên, ở tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” (Điều 366 BLHS) thì cấu thành rất rõ. Người vi phạm đã lợi dụng quan hệ nào đó, gây ảnh hưởng đến người có chức vụ, quyền hạn để người đó thực hiện lệch chuẩn hoạt động công vụ, từ đó người lợi dụng ảnh hưởng sẽ được hưởng lợi ích vật chất hoặc phi vật chất. Thực tế cho thấy các phụ huynh, cả người dân và cán bộ, công chức, đều có bóng dáng của hành vi này. Vấn đề còn lại là trách nhiệm chứng minh của cơ quan điều tra.
Luật sư Hùng cho rằng, các trường đại học cần rà soát theo kết luận thanh tra của cơ quan có thẩm quyền, từ đó đối chiếu với danh sách thí sinh có được nâng, sửa điểm. Sau khi chấm điểm lại có đủ tiêu chuẩn đầu vào hay không, nếu không thì phải cho thôi học, còn nếu đủ tiêu chuẩn thì tùy vào quan điểm của trường có chấp nhận thí sinh đó theo học hay không để có những chính sách phù hợp. Ngoài ra, cần kết luận về việc có hay không việc “mua điểm”, nếu xác định có hành vi xảy ra, thì bắt buộc phải xử lý, không được phép bỏ qua vì như vậy là bỏ lọt tội phạm.
Cao Anh Tuấn
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Sở GD&ĐT TP.HCM phản hồi về chất lượng bữa ăn bán trú
-
Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo: Chỉ nên ưu tiên cho người khó!
-
Sắp diễn ra kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024 - 2025
-
Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động trường quốc tế Mỹ Việt Nam
-
Học sinh lớp 8 bị nhóm bạn cùng trường đánh hội đồng dã man