Vinasun kiện đòi bồi thường 41 tỉ, Grab Taxi "phản pháo"
Sáng 6-2, TAND TP.HCM đã đưa vụ kiện "Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" xét xử sơ thẩm theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp.) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (gọi tắt là Grab Taxi).
Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, bảo lưu quan điểm khởi kiện, đồng thời yêu cầu Grab Taxi bồi thường một lần là 41,2 tỉ đồng.
Theo ông Trương Đình Quý, từ khi Grab Taxi phát triển và có hành vi vi phạm pháp luật đã gây thiệt hại cho Vinasun. Hoạt động của Grab Taxi đã vi phạm nghiêm trọng quyết định số 24 về "Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" (gọi tắt đề án 24), vi phạm Luật Thương mại và Luật Giao dịch điện tử và hoạt động như đơn vị kinh doanh taxi.
Cụ thể, đại diện Vinasun cáo buộc Grab Taxi tự quyết định giá, điều động phương tiện, nhận tiền từ khách, sau đó phân phối cho lái xe và hợp tác xã cũng như khen thưởng tài xế, khuyến mãi cho khách hàng. Ngoài ra, Grab Taxi còn vi phạm trong việc thực hiện khuyến mãi, trong một năm khuyến mãi không được vượt quá 90 ngày và mỗi lần khuyến mãi không được quá 45 ngày. Thực tế lập vi bằng của Thừa Phát Lại quận Bình Tân cho thấy khuyến mãi đăng ký lớn hơn nhiều so với khuyến mãi có đăng ký. Khi lập vi bằng, Thừa Phát Lại quận Bình Tân chọn 3 khách hàng ngẫu nhiên đã có 40 chương trình khuyến mãi không nằm trong đăng ký ở Sở Công Thương TP HCM.
Ông Quý đánh giá chương trình GrabShare (dịch vụ đi chung ô tô) rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật vì Bộ GTVT đã liên tục có văn bản chấn chỉnh hành vi kinh doanh GrabShare.
"Hợp đồng điện tử là một phương thức giao dịch chứ không phải là mô hình kinh doanh nên phải tuân thủ theo quy định pháp luật về kinh doanh vận tải. Hợp đồng điện tử đã được đánh tráo, khái niệm hợp đồng điện tử được ký vài chục người trong một ngày, một đoạn đường ngắn nhưng nhiều người đi, như vậy có đúng với quy định pháp luật không?" - ông Quý đặt vấn đề.
Tại tòa, đại diện Grab Taxi nói rằng đề án 24 không nêu rõ có cho phép hay không cho phép dịch vụ Grabshare, Bộ Tư pháp khẳng định công ty không sai. Do đó, Vinasun có thắc mắc thì nên khiếu nại lên Bộ GTVT. Grab Taxi khẳng định cáo buộc và yêu sách của Vinasun là hoàn toàn chưa thuyết phục và không hợp lý. Bởi việc triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử (GrabCar) của Grab Taxi được thực hiện theo "Quyết định 24" ban hành sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, ngoài Grab Taxi còn có 9 đơn vị khác cùng tham gia thí điểm (trong đó có Vinasun). Phía Vinasun cũng thừa nhận chỉ thực hiện nghiên cứu, phân tích tình hình hoạt động kinh doanh của Grab Taxi mà không thực hiện với các đơn vị còn lại.
"Điều này cho thấy Vinasun chỉ nhắm vào Grab Taxi để tấn công. Bên cạnh đó, Grab Taxi luôn nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có cả pháp luật cạnh tranh. Cáo buộc của Vinasun cho rằng Grab Taxi cạnh tranh không lành mạnh nhằm triệt hạ Vinasun là không có cơ sở và cố tình làm dư luận hiểu sai vấn đề" - đại diện Grab Taxi "phản pháo".
Theo đại diện Grab Taxi, gần đây nhất, Chi cục Thuế quận 10 đã xác nhận Grab Taxi nộp hơn 142 tỉ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước và nhận được bằng khen. Vì vậy, Vinasun cáo buộc Grab Taxi vi phạm nghĩa vụ thuế là không có căn cứ.
Hôm nay, ngày 7-2, phiên tòa tiếp tục diễn ra.
Phạm Dũng
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội