Việt Nam xuất siêu 20,19 tỉ USD trong tám tháng đầu năm
Theo Bộ Công Thương, trong tám tháng năm 2023 Việt Nam xuất siêu 20,19 tỉ USD.
Theo Bộ Công Thương, trong tám tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ước đạt 227,71 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Do tổng cầu trên thế giới giảm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực đều bị ảnh hưởng.
Theo đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,27 tỉ USD, giảm 19,1%; Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam ước đạt 35,79 tỉ USD, tăng 0,1%.
Đáng chú ý, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Tây Á ước đạt 5,19 tỉ USD tăng 1,2%, đặc biệt là thị trường Bắc Phi tăng 11,8%... Qua đó, cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp (DN) trong đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.
Về mặt hàng, trong tám tháng 2023, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực như điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, giày dép các loại, thủy sản…đều giảm.
Về nhập khẩu ước đạt 207,52 tỉ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với nhóm hàng nguyên liệu sản xuất nhập khẩu vẫn giảm 16,3%, đạt hơn 183 tỉ USD. Trong đó, các nhóm hàng chủ lực, là đầu vào quan trọng các ngành hàng xuất khẩu như nguyên phụ liệu dệt may, da giày…giảm mạnh.
Đối với nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu đạt 12,16 tỉ USD, giảm 16,7% trong đó phế liệu sắt thép, đá quý, kim loại quý và sản phẩm, linh kiện phụ tùng ô tô... giảm.
Một số ít mặt hàng kim ngạch nhập khẩu tăng là ô tô nguyên chiếc dưới chín chỗ tăng 3,6%, chất thơm và mỹ phẩm, chế phẩm vệ sinh tăng 6%, rau quả tăng 0,6%.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam ước đạt 68,13 tỉ USD giảm 17%. Tiếp đến là Hàn Quốc ước đạt 32,8 tỉ USD, giảm 24,6%, Hoa Kỳ đạt 9,27 tỉ USD giảm 6,6%...
Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu, cán cân thương mại trong tháng 8 tiếp tục xuất siêu khoảng 3,82 tỉ USD, nâng tổng xuất siêu của Việt Nam trong tám tháng đạt 20,19 tỉ USD.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN; kết nối DN Việt tham gia được vào chuỗi cung ứng DN có vốn đầu tư nước ngoài lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới, bưởi da xanh…
Đối với xuất khẩu gạo, thị trường thế giới có những biến động khó lường sau khi Ấn Độ tiếp tục áp dụng thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ. Vì vậy, đảm bảo an ninh lương thực... các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương xây dựng các phương án đảm bảo cung cầu, góp phần bình ổn giá gạo, an ninh lương thực theo các Công điện và Chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ.
Trong tám tháng 2023 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đơn cử rau quả đạt 3,49 tỉ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng gạo xuất khẩu đạt 5,89 triệu tấn, trị giá 3,19 tỉ USD, tăng 37,3%. Lượng cà phê xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn, đạt 2,96 tỉ USD, tăng 3,3%.
Năm mặt hàng đạt trên 10 tỉ USD, chiếm 58,4%.
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở