Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình bằng nội lực?

Thứ năm, 05/09/2019, 14:19 PM

Xây dựng một kịch bản tăng trưởng hợp lý và cách đạt được mục tiêu để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình là rất cần thiết.

Mối lo về việc nền kinh tế Việt Nam có thể vướng bẫy thu nhập trung bình không thể làm ngơ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2018, GDP bình quân đầu người Việt Nam là 58,5 triệu đồng (khoảng 2.600 USD), mức thấp trong khoảng thu nhập trung bình theo cách tính của World Bank (1.025 - 12.475 USD).

Kể cả căn cứ theo cách tính toán lại của Tổng cục Thống kê, theo đó xác định, trong giai đoạn 2010-2017, quy mô GDP tăng thêm 25,4% so với các tính toán cũ, với giả định dân số không thay đổi, mức thu nhập bình quân đầu người có thể đạt tới mức trên 3000 USD/năm, đó vẫn chỉ là mức thu nhập trung bình thấp.

Dẫu sao, mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 3000 USD/năm vào năm 2020 theo khung chính sách kinh tế Việt Nam tới năm 2035 của Bộ Kế hoạch Đầu tư coi như đã hoàn thành sớm.

 Không thể thoát bẫy thu nhập trung bình nếu không thoát khỏi phận gia công.

 Không thể thoát bẫy thu nhập trung bình nếu không thoát khỏi phận gia công.

Tiếp cận theo cách lạc quan như vậy, tới 2025 mỗi người Việt Nam hưởng mức GDP là 4.500 USD, năm 2030 là 6.500 USD, năm 2035 là 10.000 USD. Điều này đồng nghĩa, trong giai đoạn 2025 – 2035, mức thu nhập của mỗi người Việt phải tăng hơn gấp đôi, nghĩa là mỗi năm mức tăng trưởng phải vào khoảng 10%.

Trong giả định quy mô dân số Việt không tăng trong giai đoạn nói trên, GDP của nền kinh tế phải tăng trưởng ở mức tương ứng. Điều này không hề dễ dàng, bởi như nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo, kinh tế Việt Nam trong vòng 10 năm tới có xu hướng giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 6-7% những năm vừa qua.

Mặt khác, mức thu nhập lý tưởng được dự báo vẫn nằm gọn trong ngưỡng thu nhập trung bình của thế giới dù ở ngưỡng cao. Nói cách khác, khi giấc mơ thành hiện thực, Việt Nam vẫn chưa thể trở thành nước giàu, đồng thời vẫn có khả năng vướng bẫy thu nhập trung bình cao.

Rõ ràng phải giải quyết vấn đề từ một quan điểm khác. Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), “bẫy thu nhập trung bình” là trạng thái một nền kinh tế đã vượt qua mốc thu nhập thấp để trở thành nước có thu nhập trung bình, nhưng bị mắc kẹt ở mức thu nhập này, không thể tiếp tục vươn lên thành nước có thu nhập cao (trên 12.475 USD/người theo cách tính hiện hành), cách duy nhất để thoát cái bẫy này là nền kinh tế không giậm chân tại chỗ. Nghĩa là, ưu tiên số 1 là tạo điều kiện để nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định và bền vững mới đạt được các mục tiêu tăng trưởng tương ứng.

Con đường sẽ phải đi khó khăn nhưng vẫn có thể nhìn thấy vạch đích. Đầu tiên, cần một sự nhận định lại khách quan, công tâm và chính xác về quy mô nền kinh tế, cách thức tăng trưởng và mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam.

Đây sẽ là một câu chuyện cũ. Trong nhiều năm liền, xuất khẩu của khối FDI luôn chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, nếu các đại gia FDI hắt hơi, xổ mũi, nhịp điệu tăng trưởng cũng sẽ dính một cơn cảm lạnh. Điều này khiến chúng ta không thể phủ nhận thực tế, tăng trưởng đang phải đồng hành cùng khối FDI. Nếu chưa làm rõ, mức độ cụ thể thế nào và chúng ta nhận được gì nhờ sự sánh bước ấy, sẽ vẫn còn nhiều băn khoăn, thắc mắc về nội lực của nền kinh tế Việt Nam.

Một vấn đề khác là mức độ sử dụng tài nguyên thiên nhiên, loại tái tạo và không thể tái tạo. Không cần giải thích nhiều về vai trò mang tính chất nguồn lực cho phát triển của chúng với toàn nền kinh tế, vì vậy việc này một mặt sẽ xác định thêm đóng góp của tài nguyên thiên nhiên vào GDP, mặt khác xác định phương thức sử dụng hiệu quả và lâu dài nhất loại tài sản này.

Trình độ phát triển của nền kinh tế có lẽ không được nhìn vào những biển hiệu to đẹp của các tập đoàn nước ngoài tới bán hàng hay đầu tư sản xuất. Khi kinh tế hộ gia đình chiếm tới hơn 30% GDP, theo số liệu khu vực doanh nghiêp vừa và nhỏ đóng góp một phần khiêm tốn xấp xỉ 10%, đồng nghĩa sức mạnh của nền kinh tế mà động lực là khu vực tư nhân còn rất hạn chế.

Vậy đâu là điểm nghẽn khiến bộ phận vốn năng động nhất trong mọi nền kinh tế phát triển lại ảm đạm như vậy tại thị trường Việt Nam? Đặt câu hỏi là điều kiện tiên quyết nếu muốn tìm ra câu trả lời.

Khi hàng loạt các khúc mắc kể trên đã có được lời giải, tự khắc mức thu nhập mà mỗi người Việt đang được hưởng sẽ hé lộ. Hình dung về các bước tiếp theo sẽ cụ thể và chắc chắn hơn. Tất nhiên, có thể chúng ta sẽ phải đối diện với những kết quả không được như kỳ vọng. Thế nhưng đó lại chính là điểm để chúng ta vẫn có thể lạc quan.

Một nền kinh tế tăng trưởng đều đặn chỉ có được khi và chỉ khi nó có nội lực và khả năng hòa nhập, thích ứng với những biến động của nền kinh tế thế giới. Ở Việt Nam, nhiệm vụ trước mắt là phải cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Về vấn đề này, nền kinh tế Việt Nam đã xác định rõ, chúng ta sẽ tăng trưởng dựa trên nền kinh tế tri thức, tận dụng tiến bộ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Nếu lựa chọn cách này, dư địa để phát triển của chúng ta đang là tối đa. Vai trò gia công của phía Việt Nam trong hợp tác với khối FDI hay công nghệ yếu kém, lạc hậu ở các khu vực kinh tế khác sẽ mang hàm nghĩa, chúng ta đã ngấm đủ bài học của sự lạc hậu và gia công, đủ để có thể nỗ lực gấp hai, gấp ba lần thoát ra khỏi tình cảnh này. Không những thế, khi đã khắc phục, thậm chí thay mới những mắt xích yếu trong cỗ máy kinh tế, năng suất đạt được sẽ tăng gấp nhiều lần dự tính.

Nút thắt trình độ lao động cũng buộc phải tháo gỡ đồng thời với sự chuyển đổi về công nghệ. Khi đó, nhân lực sẽ tiếp thêm sức mạnh cho đà tiến lên của trình độ sản xuất và quả ngọt sẽ là năng suất lao động cải thiện, thu nhập của mỗi người lao động tăng lên.

Đương nhiên, sự thay đổi không thể diễn ra trong chớp mắt như một phép lạ. Chính vì vậy mới cần đến một lộ trình và cách điều hành nhất quán từ phía các cơ quan quản lý. Sẽ thay đổi dần dần, từ những khu vực nên ưu tiên vì có thể tạo ra sản phẩm cạnh tranh, dần dần lan tỏa tới các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế khác.

Trong lựa chọn này, phải lường trước cả những bước lùi nhất định, đơn giản bởi khi tác động tới một số bộ phận bảo thủ nhưng lại đang cắm rễ sâu trong nền kinh tế, sẽ có những hệ lụy ngắn hạn. May thay, chúng ta vẫn đang nắm giữ những liều thuốc đắng, sẵn sàng trợ lực cho khu vực doanh nghiệp trước những rủi ro này.

Theo đánh giá của các chuyên gia và các tổ chức tài chính quốc tế, nếu Chỉ số cảm nhận tham nhũng (một xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế) tăng 1 điểm, điều này thể hiện rằng quốc gia đó đã ít tham nhũng hơn, năng lực sản xuất của xã hội có thể tăng thêm khoảng 0,4% GDP.

Một nghiên cứu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam được dẫn ra vào năm 2016 cho biết, nếu giảm 1% đơn vị gánh nặng tham nhũng (tỷ lệ chi phí không chính thức trên thu nhập của doanh nghiệp), đầu tư tư nhân sẽ tăng 6,4%, số việc làm tư nhân sẽ tăng 1,8%, và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 2,3%. Chúng ta đang kiên định và quyết liệt trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, vì thế không cần phải nghi ngờ về thành quả mà chúng ta sẽ đạt được.

Khánh Nguyên

Theo Baodatviet.vn

largeer