Vì sao số lượng doanh nghiệp giải thể 9 tháng 2018 tăng mạnh?

Chủ nhật, 14/10/2018, 11:07 AM

Theo thống kê, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2018 của cả nước là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng trong quý 3/2018 có 4.907 doanh nghiệp giải thể, tăng 48,3% so với quý 2/2018 và tăng 49% so với cùng kỳ năm 2017...

Theo thống kê, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2018 của cả nước là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng trong quý 3/2018 có 4.907 doanh nghiệp giải thể, tăng 48,3% so với quý 2/2018 và tăng 49% so với cùng kỳ năm 2017. Con số này chưa tính đến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.

Theo thống kê, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2018 của cả nước là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo thống kê, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2018 của cả nước là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo lý giải của Cục đăng ký và quản lý kinh doanh, việc gia tăng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2018 chịu sự tác động của các yếu tố khách quan, chủ quan đối với doanh nghiệp cũng như quy luật vận động của nền kinh tế thị trường.

Cụ thể, phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế về năng lực nội tại.  Những hạn chế cố hữu này vẫn chưa được giải quyết dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp như thiếu tầm nhìn chiến lược; năng lực quản trị kém, thiếu tư duy về thị trường; trình độ ứng dụng khoa học công nghệ thấp; thiếu tính đổi mới sáng tạo trong sản phẩm; chất lượng hàng hóa, quy mô sản xuất và năng suất lao động còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài. 

"Cùng với đó, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do khiến sức ép cạnh tranh lại càng tăng lên đối với doanh nghiệp Việt Nam", Cục Đăng ký và Quản lý kinh doanh khẳng định.

Khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện đáng kể song theo Cục này, vẫn tồn tại những hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp như: quy định pháp lý về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những chồng chéo, bất cập; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn là rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực như tín dụng, đất đai; hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp vẫn còn xảy ra.

Kết quả một khảo sát thuộc dự án "Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiếp cận tín dụng, thông qua nâng cao năng lực quản trị và minh bạch hoạt động tài chính" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI thực hiện trong năm 2018 cho thấy tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn đến từ cả phía doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Cụ thể, doanh nghiệp thiếu khả năng hoạch định chiến lược làm giảm độ tin cậy về tính khả thi của dự án đầu tư, thiếu minh bạch về tài chính làm giảm mức độ tín nhiệm; về phía các tổ chức tín dụng thì hồ sơ cho vay vốn còn phức tạp, lãi suất cho vay cao, đánh giá rủi ro chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản là kết quả tất yếu của quy luật cạnh tranh, thanh lọc, đào thải của thị trường. Những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với những ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, nền kinh tế Việt Nam lại là một nền kinh tế năng động, đang có nhiều triển vọng, khoa học công nghệ không ngừng phát triển như hiện nay thì sức ép đối với doanh nghiệp càng lớn, tính cạnh tranh, thanh lọc càng thể hiện rõ rệt. 

Cuối cùng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là do việc triển khai công tác rà soát đối với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động tại trụ sở từ lâu nhưng không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. 

Kể từ tháng 4/2018 đến nay, các địa phương trên cả nước đang tích cực triển khai công tác rà soát nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động; sau khi rà soát, những doanh nghiệp đó được chuyển sang tình trạng chờ giải thể.

Về vấn đề này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương lý giải vì sao số lượng doanh nghiệp thành lập mới còn thấp, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao. Các bộ ngành, địa phương "phải tự hỏi nguyên nhân của tình trạng trên là vì đâu trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phải chăng là khâu thực thi của các cấp chưa hiệu quả".

"Các bộ, ngành mới rà soát, cắt giảm được 60%, còn tới gần 40% điều kiện kinh doanh cần cắt giảm, còn tình trạng đối phó như cắt giảm điều kiện này thì lại "mọc" ra điều kiện khác", Thủ tướng lưu ý. Các bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thành rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ, chất lượng đề ra.

KIỀU LINH

Theo Vneconomy