Vì sao Forbes định giá được tài sản tỷ đô của ông Trần Bá Dương?

Thứ sáu, 09/03/2018, 16:56 PM

Khác với Vingroup, Vietjet hay Hoà Phát, Tập đoàn Trường Hải của ông Trần Bá Dương chưa niêm yết cổ phiếu. Điều này khiến việc tính toán khối tài sản của vị đại gia này có phần khó khăn hơn.

Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải ông Trần Bá Dương

Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải ông Trần Bá Dương

Trong danh sách tỷ phú USD 2018 vừa được Tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ công bố, Việt Nam xuất hiện thêm 2 cái tên mới là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát, và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải (Thaco).

Năm ngoái, 2 doanh nhân Việt được Forbes xướng tên là Chủ tịch Vingroup ông Phạm Nhật Vượng và CEO Vietjet bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

So với 3 cái tên còn lại, trường hợp của ông Trần Bá Dương khá đặc biệt khi các doanh nghiệp, nơi ông làm Chủ tịch là Tập đoàn Trường Hải và Tập đoàn Đại Quang Minh đều chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, bởi vậy việc ước tính khối lượng tài sản là không dễ dàng.

Để hiểu vì sao Forbes có thể định giá lượng tài sản của doanh nhân được mệnh danh là "Người xây đế chế ô tô Việt Nam", cần phải nêu ra cách thức thực hiện bảng xếp hạng tỷ phú hàng năm của tạp chí này. 

Theo Forbes, các phóng viên, nhà báo của hãng phải mất rất nhiều thời gian. Đầu tiên là lựa chọn ra một danh sách sơ bộ, đơn cử năm 2013 là 600 ứng viên rồi bắt đầu lọc dần. Trong trường hợp khả dĩ nhất, các phóng viên sẽ gặp gỡ trực tiếp, và trao đổi với khoảng 100 tỷ phú mỗi năm.

Bên cạnh đó, Forbes còn nói chuyện, tìm hiểu qua nhân viên, thư ký, đối thủ, luật sư hay những người cùng chung vị trí với các ứng viên. Các nhà báo phải nghiên cứu hàng nghìn tài liệu từ sàn chứng khoán, ghi chép, phán quyết của toà án. Họ phải xem xét tất cả các loại tài sản, từ cổ phần, cổ phiếu đến bất động sản, tác phẩm nghệ thuật, du thuyền, phi cơ, xe hơi hay trang sức...

Có một số trường hợp chủ động cung cấp thông tin và tài liệu cho Forbes. Tuy nhiên cũng không ít người thiếu hợp tác, thậm chí doạ kiện. Lúc này, Forbes sử dụng phương pháp so sánh tương quan, thường là P/E (tỉ số tài chính để tính giá trị cổ phần so với các doanh nghiệp tương tự cùng ngành nghề trên sàn chứng khoán).

Thông thường, Forbes sẽ tính toán và ước lượng khối tài sản của từng ứng viên, tuy nhiên nếu tài sản của các thành viên trong gia đình hoặc bên liên quan có quan hệ chặt chẽ đến nhau thì Forbes sẽ gộp tổng cộng tài sản của những người này. Đây chính là phương pháp được dùng để tính toán khối tài sản của ông Trần Bá Dương.

Theo Forbes, ông Trần Bá Dương và gia đình hiện nắm giữ trực tiếp và gián tiếp khoảng 65% cổ phần Thaco. Bên cạnh Thaco, ông Trần Bá Dương còn sở hữu doanh nghiệp rất lớn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, chủ đầu tư một loạt dự án đang được tiến hành ở Thủ Thiêm như dự án khu đô thị Sala, 4 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, quảng trường trung tâm, công viên bờ sông...

Theo Người Đưa Tin

largeer