Vì sao Bộ GD-ĐT quyết giữ lại 16 triệu USD?
Sau khi phá sản bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo xin tiếp tục sử dụng 16 triệu USD vào việc biên soạn tài liệu hướng dẫn, đổi mới phương pháp dạy học, bồi dưỡng giáo viên...
Chiều 2-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức có phản hồi thông tin liên quan đến việc sử dụng 16 triệu USD vốn vay ODA để tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK).
Theo Bộ GD-ĐT, dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) có sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) 77 triệu USD. Trong đó, 16 triệu USD được thiết kế để Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Số tiền này được dùng để trả thù lao cho tác giả, tổ chức biên soạn, biên tập, thực nghiệm và thẩm định SGK. Ngoài ra, có một phần kinh phí làm SGK song ngữ tiếng dân tộc thiểu số, SGK chữ nổi braille phục vụ học sinh khiếm thị.
Bộ GD-ĐT cho rằng cũng như bất cứ dự án ODA nào, trong dự án RGEP, kinh phí tài trợ được quy định chặt chẽ trong hiệp định vay vốn, sổ tay thực hiện dự án các cấu phần cụ thể với nguồn kinh phí tương ứng. Trong quá trình thực hiện sẽ giải ngân từng hạng mục cụ thể. Để giải ngân được, phải xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm theo đúng thiết kế ban đầu... Việc rút vốn được thực hiện theo tiến độ thực hiện và tuân thủ quy trình quy định của pháp luật với sự phê duyệt của Bộ Tài chính, WB.
"Việc Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn SGK theo thiết kế ban đầu của dự án và đã tổ chức việc biên soạn SGK theo phương án xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được khoản kinh phí" - thông cáo nêu rõ.
Bộ GD-ĐT cũng thông tin đang đàm phán với WB để tái phân bổ cho các hoạt động cần thiết khác trong giai đoạn đầu triển khai chương trình mới như: biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và tổ chức bồi dưỡng khoảng 900.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; mua SGK cho thư viện các trường phổ thông vùng khó khăn để học sinh được mượn sách học. Các nội dung này đã có trong thiết kế của dự án nhưng so với nhu cầu thực tiễn thì thiếu nhiều.
"Để được thực hiện, Bộ GD-ĐT đang đàm phán với WB về việc tái cấu trúc kinh phí dự án, trong đó có tái phân bổ nguồn kinh phí thiết kế cho biên soạn SGK nhằm bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Sau khi đạt được sự thống nhất với nhà tài trợ, tái phân bổ kinh phí, sổ tay của dự án sẽ được chỉnh sửa và triển khai thực hiện. Tất cả vấn đề liên quan đến kinh phí của dự án đều phải được sự chấp thuận và giám sát của WB, quy chế của Bộ Tài chính và hệ thống pháp luật, thanh tra, kiểm toán" - Bộ GD-ĐT khẳng định.
Trả lời câu hỏi tại sao Bộ GD-ĐT không trả lại 16 triệu USD cho WB khi không biên soạn SGK, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc dự án RGEP - nói rằng khi thiết kế dự án, các cấu phần đã được tính toán kỹ trong khuôn khổ nguồn vốn vay theo thỏa thuận nhưng so với nhu cầu còn thiếu nhiều. Nếu không tái cấu trúc mà trả lại thì sau đó vẫn phải dùng ngân sách để chi cho một loạt hoạt động như mua sách hỗ trợ đối tượng chính sách được mượn, bồi dưỡng giáo viên… Việc sử dụng số tiền 16 triệu USD này để phân bổ lại trong khuôn khổ dự án để bảo đảm mục tiêu của dự án sẽ tốt hơn cho giai đoạn đầu triển khai thực hiện chương trình mới.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng nói thêm trước đây việc mua sách cho vùng khó khăn được chi 4,5 triệu USD. Theo tính toán, số tiền này chỉ mua sách lớp 1 đã chiếm phần lớn và chỉ còn lại một phần nhỏ để mua sách lớp 2 cho năm tiếp theo. Khi dư một phần trong khoản vay 16 triệu USD, dự án có thể đề nghị trang bị thêm SGK cho thư viện vùng khó khăn từ lớp 1, 2 và 6. Điều này phù hợp mục tiêu dự án cũng như yêu cầu của bộ đặt ra là ưu tiên hỗ trợ triển khai chương trình mới và vùng đặc biệt khó khăn.
Ý KIẾN
Ông LÊ VIẾT KHUYẾN, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học:
Nên trả lại
16 triệu USD là một số tiền quá lớn cho việc biên soạn một bộ SGK. Nếu phương án viết một bộ SGK phá sản thì Bộ GD-ĐT nên trả lại số tiền đó cho WB, vì đó là tiền đi vay.
Trường hợp muốn sử dụng vào mục đích khác, cần phải có đề án rất chi tiết, cụ thể và phải hoàn toàn công khai, minh bạch.
Ông NGUYỄN KIỂM, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản:
Phải minh bạch, đúng mục đích
Việc Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch sử dụng 16 triệu USD sau khi mục tiêu xây dựng một bộ SGK của bộ phá sản là bình thường, điều quan trọng nhất là số tiền đó được chi làm sao thật tiết kiệm, hợp lý.
Số tiền 16 triệu USD là một khoản tiền không nhỏ và việc dư luận quan tâm khoản tiền này được dùng vào việc gì là nhu cầu chính đáng. Đó là khoản tiền đi vay và phải trả nên không thể thích chi vào việc gì thì chi mà phải công khai, minh bạch. Tôi tin không chỉ tôi mà tất cả những ai quan tâm đến giáo dục đều kỳ vọng khoản tiền đó sẽ được sử dụng đúng mục đích.
Ông CAO HUY THẢO, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc (TP HCM):
Lý lẽ không thể tin được
16 triệu USD vay của WB dùng cho việc biên soạn SGK thì phải dùng cho việc biên soạn SGK, nếu không thì phải trả lại. Việc bộ nói đang đàm phán với WB để tái phân bổ cho các hoạt động cần thiết khác trong giai đoạn đầu triển khai chương trình mới và nói các nội dung này đã có trong thiết kế của dự án nhưng so với nhu cầu của thực tiễn thì thiếu nhiều là không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, khi lập đề án cho việc triển khai chương trình SGK mới thì luôn dự trù sẵn kinh phí và có chuẩn bị thêm nguồn dự phòng chứ không thể nói là thiếu nhiều rồi đòi đắp 16 triệu USD này vào. Về việc tập huấn cho 900.000 giáo viên, con số này là không thể tin được vì lâu nay, việc tập huấn chỉ thực hiện đối với những giáo viên cốt cán, sau đó giáo viên cốt cán về tập huấn đại trà cho giáo viên của địa phương chứ không bao giờ tập huấn trực tiếp cho số lượng lớn như vậy.
Việc sử dụng những khoản vay nước ngoài cần có những sản phẩm cụ thể, chuyển từ mục đích này sang mục đích khác là không được. Bộ trưởng, thứ trưởng và vụ trưởng phụ trách tài chính phải lên tiếng trả lời dư luận chứ không thể để người làm công tác chuyên môn khác trả lời vấn đề tài chính.
H.Sâm/ lược ghi
Hoàng Anh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội