Bộ GD-ĐT có kiểm soát được kỳ thi đánh giá năng lực vào đại học?
Năm 2019 nổi lên việc thêm một số trường đại học tổ chức thi đánh giá năng lực mà chất lượng kỳ thi đang là dấu hỏi lớn.
Những điều chỉnh trong công tác thi và tuyển sinh 2019 của Bộ GD-ĐT được các chuyên gia đánh giá là thuận lợi cho thí sinh và đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, năm 2019 lại nổi lên việc thêm một số trường đại học tổ chức thi đánh giá năng lực mà chất lượng kỳ thi đang là dấu hỏi lớn.
Thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh
Cùng với việc xét tuyển đại học (ĐH) từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia được duy trì từ năm 2015, đến nay các trường ĐH đề ra thêm nhiều phương thức xét tuyển mới nhằm đa dạng hình thức xét tuyển và thể hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh.
Năm 2019 là năm thứ hai ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Kết quả kỳ thi được các trường ngoài và thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM dùng để xét tuyển. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết sau nhiều năm, nhiều bước chuẩn bị, năm 2018 ĐH Quốc gia TP.HCM chính thức tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với 5.000 thí sinh tham gia.
Đây là năm thử nghiệm và kết quả thu được vượt mong đợi nên năm 2019 mở rộng kỳ thi lên hai đợt với gần 50.000 thí sinh tham gia. Các đồ thị phân phối điểm thi của thí sinh tương tự nhau giữa ba đợt và đều có dạng hình chuông chuẩn, chứng tỏ độ tin cậy cao của kỳ thi.
Là thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, từ năm 2017, Trường ĐH Quốc tế cũng bắt đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển cùng với nhiều phương thức xét tuyển khác. Tính đến năm 2019, trường này có sáu phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức, kết quả kỳ đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển nhưng kỳ thi của Trường ĐH Luật TP.HCM được tổ chức sau khi sàng lọc từ kết quả học bạ, kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chỉ chiếm tỷ trọng 40% (năm 2019) trong kết quả trúng tuyển của thí sinh.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, tự chủ tuyển sinh là một trong những yếu tố cơ bản của tự chủ ĐH, được Luật Giáo dục ĐH quy định nhằm giúp các cơ sở đào tạo ĐH chọn được những sinh viên ưu tú, đáp ứng yêu cầu và triết lý đào tạo của mình.
Biết rằng đây là quyền của các trường, nhưng kỳ tuyển sinh năm 2019 chứng kiến nhiều trường ĐH bất ngờ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, khiến dư luận phát sinh sự hoài nghi về chất lượng của kỳ thi.
Cần có quy chuẩn
Thực chất của đánh giá năng lực hiện nay là kỳ thi riêng của các trường ĐH phục vụ cho việc xét tuyển của chính trường đó hoặc cho cả một số trường khác chấp nhận dùng chung kết quả để xét tuyển. Ngoài những trường đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực từ nhiều năm trước đây như Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH FPT, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm 2019 đã xuất hiện thêm các kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Yersin.
Kỳ thi đánh giá năng lực ở các trường thường được tổ chức làm nhiều đợt, có thể trước hoặc sau kỳ thi THPT quốc gia đã tạo thuận lợi cho nhiều thí sinh có thể tham gia dù chưa tốt nghiệp (khi trúng tuyển và làm thủ tục nhập học phải nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT). Thậm chí, vào giữa tháng 9/2019 khi nhiều trường ĐH đã khai giảng năm học mới thì Trường ĐH Yersin vẫn tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực để tiếp tục xét tuyển thí sinh.
Hầu hết bài thi của kỳ thi đánh giá năng lực đều theo hình thức trắc nghiệm, thậm chí có bài thi chỉ làm trong 60 phút nên kết quả được công bố rất nhanh sau khi thi, thuận tiện cho việc xét tuyển của trường.
Dù vậy, ngoại trừ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, gần như tất cả các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường khác thu hút số lượng thí sinh tham gia không nhiều và tỷ lệ nhập học theo kết quả kỳ thi này rất thấp.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho rằng việc một trường có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau mục đích cũng để trường đảm bảo đủ chỉ tiêu. Qua nhiều năm tuyển sinh theo phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường chỉ tuyển sinh được vài trăm hoặc vài chục sinh viên. Năm 2019, quy mô tuyển sinh của các trường ĐH còn nhiều hơn nhu cầu học ĐH của học sinh tốt nghiệp THPT, các trường thấy trước được những khó khăn nên đề ra nhiều phương thức xét tuyển với mong muốn tuyển đủ chỉ tiêu.
Đặc biệt, năm 2019 bùng nổ phương thức thi đánh giá năng lực ở các trường ĐH. Việc tổ chức thêm các phương thức xét tuyển khác cũng là cách để các trường ĐH chuẩn bị trước nếu như kỳ thi THPT quốc gia không còn đông thí sinh tham gia nữa từ năm 2021. Tuy nhiên, điều quan trọng là chất lượng của kỳ thi đánh giá năng lực. Bộ GD-ĐT cần có quy định, quy chuẩn cho việc tổ chức thi này.
Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết ông không ủng hộ kỳ thi đánh giá năng lực vì hiện nay đa số các trường vẫn xét theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, công bằng và đồng đều trong toàn quốc.
Trong tuyển sinh phải công bằng nhưng thi đánh giá năng lực là bất công vì thi trên máy tính, tổ chức ở TP.HCM nên học sinh khu vực xa xôi, khó khăn, không thuận lợi. Bất công nữa là lấy 40% chỉ tiêu thì làm mất đi cơ hội của thí sinh thi THPT quốc gia, đẩy điểm chuẩn lên cao; đầu vào chênh lệch nhau, không cùng một chuẩn nên đào tạo rất khó. Đó là chưa nói ai sẽ đảm bảo không có chuyện tổ chức luyện thi đánh giá năng lực?
Trương Mẫn
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội