“Vành đai Con đường” thâm nhập châu Âu qua ngõ hẹp Italy

Thứ hai, 01/04/2019, 10:20 AM

Chuyến thăm Italy của Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc với hàng loạt thỏa thuận cơ sở hạ tầng mang tính bước ngoặt được ký kết. Trung Quốc đã mở thêm được một con đường thâm nhập châu Âu thông qua Italy - vốn là lo ngại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Ông Tập muốn đem dự án Con đường Tơ lụa mới tới Italy, kết nối Trung Quốc và châu Âu. Con đường Tơ lụa này có cái tên khác: Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI).

Dự án BRI liên quan tới làn sóng tài trợ của Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn trên thế giới, nhằm đẩy nhanh việc đưa hàng hóa Trung Quốc tới các thị trường xa hơn. Đây là cách thức rõ rệt của Bắc Kinh trong nỗ lực gây ảnh hưởng địa chính trị chiến lược và nguồn vốn dồi dào của họ lên đến 1.000 tỷ USD!

Nhờ nguồn lực khổng lồ trên, Trung Quốc đầu tư vào hàng loạt dự án xe lửa, đường xá và cầu cảng trên khắp thế giới, và các công ty xây dựng của Trung Quốc thường trúng các hợp đồng béo bở nhất. Trung Quốc thường thành công trong việc thuyết phục các nước nghèo ở châu Phi, Nam Á và khu vực Nam Thái Bình Dương trở thành con nợ của mình. Tại lục địa châu Âu già cỗi, các nỗ lực của Bắc Kinh đang gặp nhiều trở ngại.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Giuseppe Conte bắt tay sau khi chứng kiến việc ký kết hàng loạt thỏa thuận Trung Quốc - Italy. (Ảnh: Reuters).

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Giuseppe Conte bắt tay sau khi chứng kiến việc ký kết hàng loạt thỏa thuận Trung Quốc - Italy. (Ảnh: Reuters).

“Ngõ hẹp Italy”

Hai thành viên thủ lĩnh của EU là Pháp và Đức luôn tỏ ra e dè và lánh xa các nguồn tài trợ của đại lục. Trung Quốc chuyển hướng sang nhóm nước EU có nền kinh tế yếu hơn như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước thuộc khối Đông Âu cũ. Cuối năm 2018, ông Tập đã thành công trong việc thuyết phục Tây Ban Nha tham gia sáng kiến Vành đai Con đường.

Lần này, Trung Quốc cũng đạt thành công tương tự.

Có đến 29 thỏa thuận với tổng trị giá 2,5 tỷ euro đã được ký kết - nét son nổi bật của chuyến đi khi mà chỉ một tuần trước đó phía Italy chuẩn bị chật vật cho 21 văn kiện và hợp đồng sẽ ký kết nhân chuyến thăm của ông Tập.

Ngày 24/3, Phó Thủ tướng Luigi Di Maio, lãnh đạo phong trào Năm Sao theo chủ nghĩa dân túy, ký biên bản ghi nhớ với phía Trung Quốc, mà theo đó Italy chính thức trở thành một phần trong Con đường tơ lụa kinh tế và Sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển cho thế kỷ 21.

Các bộ trưởng sau đó ký thỏa thuận về năng lượng, tài chính, sản xuất nông phẩm, gas và năng lượng. Các hãng xây dựng lớn của Italy được Trung Quốc hứa hẹn giúp tiếp cận thị trường xây dựng của gã khổng lồ. Công ty Xây dựng và Truyền thông thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc được trao quyền tiếp cận cảng Trieste để tạo các cầu nối tới Trung và Đông Âu. Phía Trung Quốc cũng được tham gia phát triển cảng Geno.

Trước khi ký kết hàng loạt các thỏa thuận và hợp đồng, ông Tập đã không quên lấy lòng nước chủ nhà. “Made in Italy đã trở thành đồng nghĩa với các sản phẩm chất lượng cao. Thời trang và nội thất Italy đáp ứng đầy đủ hương vị của người tiêu dùng Trung Quốc; pizza và tiramisu được giới trẻ Trung Quốc yêu thích” - Chủ tịch Tập Cận Bình viết trong một bài báo được xuất bản bởi Corriere della Sera.

“Made in Italy” là thương hiệu có uy tín về chất lượng trên toàn thế giới và được bảo vệ về mặt pháp lý đối với các sản phẩm được chế biến “chủ yếu” tại Italy. Trong những năm gần đây, các nhà máy Trung Quốc, sử dụng lao động Trung Quốc có trụ sở tại Italy đã sản xuất hàng hóa chất lượng này.

Con đường tơ lụa trên biển và đất liền. (Ảnh: Getty Images).

Con đường tơ lụa trên biển và đất liền. (Ảnh: Getty Images).

EU quan ngại

Chỉ hơn một tuần trước khi các thỏa thuận được ký, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra một tuyên bố chung về “mức ảnh hưởng quyền lực kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc” và nhu cầu cần phải “xem xét” mối quan hệ. Tuyên bố này gọi Trung Quốc là “đối thủ mang tính hệ thống” - điều đã bị Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ.

Trong lúc Chủ tịch Tập Cận Bình công du tới Rome, lãnh đạo EU họp tại Brussels đã cân nhắc xem nên dùng cách tiếp cận nào cho mối quan hệ của họ với Trung Quốc.

Các thỏa thuận được ký tại Rome giữa lúc đang có những câu hỏi về việc liệu hãng Huawei của Trung Quốc có thể được phép tham gia xây dựng các mạng lưới thông tin nhạy cảm hay không. Đây không phải là một phần trong các cuộc thương thuyết tại Italy và Pháp.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Garrett Marquis từng nhận định Italy không cần “đem cho vay tính chính danh đối với dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc”. Quan chức Italy thì nói rằng thỏa thuận mà họ ký không phải là một hiệp định quốc tế và không có tính ràng buộc.

Italy là một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng rơi vào suy thoái hồi cuối năm 2018, mức nợ quốc gia thuộc hàng cao nhất trong khu vực đồng euro. Một chính phủ dân túy của Italy lên nắm quyền vào tháng 6/2018 với các kế hoạch chi tiêu cao nhưng phải rút lại sau khi bàn bạc với EU. Chính trong bối cảnh đó, Trung Quốc xuất hiện với những thỏa thuận béo bở, có thể làm trẻ hóa các thành phố cảng lớn của Italy dọc theo Con đường tơ lụa trên biển.

Ở châu Âu, các công ty Trung Quốc đã mua 51% quyền sở hữu cảng Piraeus gần Athens năm 2016, sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp. Tuy nhiên, Italy - một thành viên của G7, sẽ là cường quốc thế giới đầu tiên nhận tiền của Trung Quốc.

Khi sáng kiến Vành đai Con đường đã tìm ra Italy là một ngách mới để Trung Quốc len vào thị trường EU thì việc các nước EU có nền kinh tế kém sức đề kháng hơn sẽ sớm và dễ bị quy phục hơn. Đó chính là quan ngại lớn nhất của giới chức lãnh đạo khối này tại Brussels.

Kim Thoa (Theo BBC News)

Theo NTD

largeer