Vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất

Thứ ba, 13/06/2023, 17:13 PM

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, cầu tín dụng yếu, thanh khoản hệ thống dồi dào... là cơ hội để giảm thêm lãi suất điều hành

Ngày 12-6, Sacombank và HDBank là 2 ngân hàng (NH) thương mại tiếp theo hạ lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, mức giảm lần lượt 0,45 điểm và 0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất tại Sacombank còn 7,25% cho kỳ hạn 36 tháng và tại HDBank là 7%/năm cho kỳ hạn 18 tháng.

Lãi suất tiền gửi tiết tục giảm

Tuần trước, một loạt ngân hàng khác đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi như Techcombank, OCB, NCB, SHB, VPBank, SCB, VietABank… Thậm chí có nhiều NH đã 2 lần thay biểu lãi suất huy động chỉ trong 2 tuần trở lại đây.

Bất chấp làn sóng giảm lãi suất diễn ra khá nhanh và liên tục, nhiều ý kiến cho rằng dư địa để lãi suất giảm thêm vẫn còn. Ông Brian Lee Shun Rong, chuyên gia kinh tế, Tập đoàn Maybank IBG, dự báo lạm phát năm 2023 ở mức 3,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% của NH Nhà nước. Do đó, lãi suất điều hành được kỳ vọng sẽ hạ thêm từ 0,5 - 1 điểm % trong vòng 3 tháng tới trong bối cảnh tăng trưởng GDP năm nay có thể thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 6,5% của Chính phủ.

Các chuyên gia đang kỳ vọng lãi suất huy động giảm thêm để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế Ảnh: TẤN THẠNH

Các chuyên gia đang kỳ vọng lãi suất huy động giảm thêm để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế Ảnh: TẤN THẠNH

Bà Trần Thị Hà My, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô, Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cũng tin rằng NH Nhà nước sẽ giảm thêm 0,5 -1 điểm % lãi suất điều hành trong quý III. Kỳ vọng này xuất phát từ triển vọng hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào xuất khẩu, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), niềm tin tiêu dùng và kinh doanh đều đang chịu ảnh hưởng bởi sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong nước và rủi ro suy thoái kinh tế ở các thị trường phát triển. 

"Trong 5 tháng đầu năm nay, lạm phát chung và lạm phát cơ bản tăng lần lượt 3,6% và 4,8% so với cùng kỳ. Dù lạm phát lõi vẫn đang ở mức tương đối cao nhưng xu hướng giảm của lạm phát là yếu tố quan trọng để nhìn về chính sách tiền tệ. Trong điều kiện giá dầu thế giới ổn định ở vùng 70-80 USD/thùng và giá hàng hóa trong nước khó tăng do nhu cầu giảm, NH Nhà nước có thể mở rộng chính sách tiền tệ thông qua việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành" - bà Trần Thị Hà My nói.

Khi chính sách tiền tệ được nới lỏng sẽ giúp giảm chi phí vốn của các NH và thúc đẩy lãi suất cho vay giảm thêm. Theo số liệu của NH Nhà nước, tính đến hết 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cả năm từ 14%-15%. Lãi suất cho vay đối với các khoản vay thương mại mới vẫn ở mức 9,3%/năm, dù giảm 0,65 điểm % so với cuối năm ngoái.

Phải giảm để kích tín dụng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng nhận định dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Không nên quá lo lãi suất giảm thì lạm phát sẽ tăng cao vì sức cầu từ thị trường và nền kinh tế vẫn rất yếu. Đồng thời, lạm phát trên thế giới đang giảm nhiệt tương đối tích cực và tỉ giá tương đối ổn định. 

"Bài toán về giảm lãi suất vừa hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân giảm bớt khó khăn, thách thức trong năm nay cũng vừa kích cầu tín dụng, đầu tư và tiêu dùng. Khi đó mới bảo đảm được phục hồi và tăng trưởng kinh tế tích cực hơn, đi cùng với đồng bộ nhiều giải pháp khác như những chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ đầu ra cho hàng hóa" - TS Cấn Văn Lực nói.

Phó tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần cũng cho rằng dư địa giảm thêm lãi suất điều hành là có cơ sở trong bối cảnh NH Nhà nước vừa qua liên tục mua vào ngoại tệ, tăng cung VNĐ cho thị trường giúp thanh khoản các NH dồi dào.

"Mức lãi suất điều hành giảm thêm có thể từ 25 đến 50 điểm % và cũng nên giảm thêm lãi suất để hỗ trợ nhu cầu vay vốn của DN, người dân trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát. Năm 2023, mục tiêu kiểm soát lạm phát đặt ra không quá 4,5% và số liệu 5 tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng hơn 3,5% cho thấy nỗ lực kiểm soát lạm phát đã đạt hiệu quả" - phó tổng giám đốc NH này phân tích.

Số liệu được Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đưa ra trong báo cáo chiến lược tháng 6 cho thấy chỉ trong tháng 5-2023, NH Nhà nước đã bơm ròng 104.000 tỉ đồng ra thị trường chủ yếu thông qua tín phiếu đáo hạn, đồng thời tiếp tục mua vào USD. Ước tính, đã có khoảng 140.000 tỉ đồng trong 5 tháng đầu năm được cơ quan quản lý bơm ra thị trường thông qua mua ngoại tệ để ổn định thanh khoản, bổ sung dự trữ ngoại hối và kéo lãi suất đi xuống nhằm hỗ trợ DN.

Ở góc nhìn khác, lãnh đạo một NH thương mại cổ phần quy mô lớn cho rằng không dễ giảm thêm lãi suất huy động vì mức giảm vừa qua là "rất nhanh và rất nhiều". Như tại NH của ông, lãi suất huy động đã giảm một mạch từ 9,5%/năm xuống còn khoảng 7,2% năm; lãi suất cho vay cũng giảm tương ứng. Do đó, muốn giảm thêm lãi suất huy động là không dễ. 

"Quan trọng lúc này là tìm giải pháp để kích cầu tín dụng, trong khi đầu ra của DN vẫn còn rất khó khăn, cụ thể là DN thiếu đơn hàng, sức tiêu dùng trên thị trường kém... Khi DN có doanh thu, cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh thì lãi suất 0,5% hay 1% không phải vấn đề quá lớn" - lãnh đạo NH này nêu quan điểm.

Dưới góc nhìn của DN, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, cũng cho rằng phải giải quyết bài toán tiếp cận vốn tín dụng của các DN nhưng khúc mắc lại đến từ phía NH. 

Ông Kỳ cho biết khi vay vốn, các NH thường yêu cầu DN phải có tài sản thế chấp trong khi du lịch là ngành dịch vụ hoàn toàn có thể được nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ theo hướng chứng minh dòng tiền trong tương lai. Đơn cử, mỗi tour du lịch hoặc mỗi chuyến bay thuê bao (charter) chở khách du lịch sẽ đem về doanh thu ngay cho DN vì khách đã đặt dịch vụ và thanh toán trước khi khởi hành… 

 "Những yếu tố này đều có thể được xem xét, nghiên cứu để NH đẩy mạnh cho vay tín chấp, cũng như cần có chính sách hỗ trợ du lịch phát triển đúng tầm ngành kinh tế mũi nhọn" - ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích. 

Còn những điểm nghẽn

Theo bà Trần Thị Hà My, đang có những điểm nghẽn quan trọng chưa được tháo gỡ như trục trặc của thị trường vốn, bất động sản, khó khăn trong kinh doanh và xuất khẩu. Vì vậy, giảm lãi suất là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ. "Nhu cầu tín dụng vẫn luôn có nhưng chưa thể khởi sắc trong ngắn hạn do lãi suất cho vay chưa giảm về mức hợp lý để kích cầu; niềm tin kinh doanh và tiêu dùng thấp dẫn đến e ngại trong hoạt động đầu tư, vay vốn chi tiêu và kênh dẫn vốn quan trọng là bất động sản đang "mắc kẹt". Với diễn biến như vậy, thị trường tín dụng có thể chùng xuống một thời gian trước khi các biện pháp gỡ rối và hỗ trợ trở nên đồng bộ và có hiệu quả hơn" - chuyên gia của chứng khoán Rồng Việt nói.

Riêng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể dừng lộ trình tăng lãi suất khi kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn, lạm phát được kiểm soát tốt, việc làm được mở rộng sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu hàng hóa từ các nước. Khi đó, sẽ tác động gián tiếp tới đơn hàng xuất khẩu và DN Việt Nam làm ăn với Mỹ sẽ có cơ hội cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh.

THÁI PHƯƠNG

Theo nld.com.vn