Thúc đẩy tín dụng tiêu dùng: Động lực để tăng trưởng

Thứ bảy, 27/05/2023, 11:32 AM

Nhằm tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng.

Qua đó, tín dụng tiêu dùng không chỉ giúp hệ thống ngân hàng giữ đà tăng trưởng, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank). Ảnh: Nguyễn Quang

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank). Ảnh: Nguyễn Quang

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm

Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 9-5, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,24 triệu tỷ đồng, tăng 2,69% so với cuối năm 2022, mức thấp so với cùng thời điểm này những năm trước. Lý giải nguyên nhân, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Lê Ngọc Lâm cho rằng, với doanh nghiệp, đơn hàng xuất khẩu giảm nên nhu cầu vay vốn giảm. Với khách hàng cá nhân, vay sản xuất, kinh doanh và vay tiêu dùng, nhà ở cũng giảm do thu nhập ảnh hưởng, kinh doanh khó khăn. Còn lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là do sự hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm, không phải vướng mắc từ cơ chế, chính sách.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) Phạm Thị Trung Hà cũng đánh giá, các chính sách của Ngân hàng Nhà nước hiện nay, cũng như thanh khoản của các ngân hàng không có vướng mắc gì. Tín dụng tăng trưởng thấp do nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế không cao.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu chậm lại; tăng trưởng thấp đi kèm với rủi ro suy thoái tại một số nền kinh tế đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam. Người dân, doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thiếu đơn hàng, thị trường đầu ra... dẫn tới doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng, đồng thời kích thích tiêu dùng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tháng 4-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Theo đó, Chính phủ thống nhất chủ trương, giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét, quyết định và sớm ban hành thông tư hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện.

Thực tế, nhiều chương trình cho vay tiêu dùng được ngân hàng triển khai. Trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cho vay mua nhà, mua ô tô với lãi suất ưu đãi từ 9,29%/năm. Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hợp tác triển khai chương trình cho vay mua xe ô tô với lãi suất từ 0% đến 9,5%/năm...

Ngân hàng không thiếu vốn

Để hỗ trợ khách hàng tiếp cận tín dụng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Hà Thu Giang cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/TT-NHNN xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Ngày 23-5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành chỉ thị tăng cường tín dụng và triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.

"Các tổ chức tín dụng chủ động đánh giá mức độ khó khăn của khách hàng, tạo điều kiện kéo dài thời gian vay, giảm áp lực trả nợ, đồng thời giúp khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", bà Hà Thu Giang nói.

Về phía ngân hàng thương mại, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm khẳng định, tùy từng đối tượng, nhóm khách hàng mà BIDV thiết kế các gói tín dụng, với lãi suất 7-8%/năm. Ngân hàng sẽ tiếp tục đưa ra nhiều chương trình với lãi suất hấp dẫn hơn nữa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Còn Phó Tổng Giám đốc MB Phạm Thị Trung Hà nhấn mạnh, ngân hàng không thiếu vốn, sẵn sàng cho vay với lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022. Cùng với đó, Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đủ khả năng đáp ứng vốn cho các nhu cầu của nền kinh tế. Việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng mà ngành ngân hàng đang triển khai là một công cụ quan trọng để kích cầu tiêu dùng, qua đó góp phần phục hồi sản xuất, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh việc hạ lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

HÀ LINH

Theo hanoimoi.com.vn

largeer