Trung Quốc siết nhập nông sản: VN không thể theo lối cũ
Trung Quốc muốn siết nhập khẩu tiểu ngạch từ lâu. Chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, cả doanh nghiệp Việt và Trung Quốc đều được lợi.
Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), năm 2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc càng phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn. Vì vậy, doanh nghiệp và nông dân cần phải tuân thủ theo quy định trong sản xuất và phát triển bền vững, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, trước những khó khăn về chính sách từ phía đối tác nhập khẩu, trách nhiệm của Bộ NN-PTNT và chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng.
Theo đó, việc Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam và các quốc gia khác đã được nước bạn đưa ra từ lâu nhưng phản ứng của phía cơ quan quản lý có liên quan lại hết sức chậm chạp và có thời gian mới chỉ nói suông, nói nhiều hơn làm.
Với nguyên tắc làm đúng theo yêu cầu của khách hàng, Bộ NN-PTNT cùng chính quyền các địa phương cần hợp tác với nhau, tổ chức thành các đoàn, chủ động đến từng nông trại, từng hợp tác xã... phổ biến, thông tin kịp thời đến người dân, doanh nghiệp về sự thay đổi của thị trường Trung Quốc, yêu cầu của thị trường ấy ra sao và người dân, doanh nghiệp cần làm gì...
"Nguyên tắc đơn giản nhất, đó là người mua được yêu cầu người bán, chứ không phải người bán yêu cầu người mua phải mua hàng mà mình có. Thị trường Trung Quốc đã áp đặt tiêu chuẩn thì họ sẽ cứ thế mà thực hiện, chúng ta không thể thay đổi họ.
Vì thế, không có cách nào khác, từng người nông dân, từng doanh nghiệp phải hiểu rằng cách trồng trọt bây giờ đã khác trước, muốn bán được hàng cho Trung Quốc thì hàng hóa phải có xuất xứ, chất lượng", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại chỉ ra một thực tế buồn: dù thị trường Trung Quốc đã khác so với cách đây 20 năm, thế nhưng suốt chừng ấy năm, đa số doanh nghiệp Việt vẫn giữ thói quen buôn bán theo lối cũ, có hàng gì cũng chở lên biên giới, đắt rẻ gì cũng bán. Cách làm ấy đến bây giờ chỉ khiến doanh nghiệp Việt thua lỗ nặng.
"Nhiều người nghĩ cứ giữ cách làm cũ, xuất khẩu qua tiểu ngạch thì thương lái Trung Quốc cũng được lợi. Nhưng theo tôi, đó chỉ là số ít. Nếu thị trường nội địa Trung Quốc chấp nhận thì thương lái Trung Quốc mới có lợi, còn nếu thị trường không chấp nhận thì thương lái cũng chẳng dám mua.
Dĩ nhiên, vẫn có một bộ phận thương lái Trung Quốc mua hàng Việt Nam về để làm giả hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nhưng không phổ biến.
Trong khi đó, cứ duy trì xuất khẩu tiểu ngạch thì doanh nghiệp Việt sẽ chỉ thiệt đơn thiệt kép vì tư duy bóc ngắn cắn dài, nghĩ bán được hàng là xong, nhiều ít không quan trọng.
Cho tới nay, vẫn có một bộ phận doanh nghiệp cố giữ lối làm ăn cũ, hoặc là do họ quá cổ hủ, hoặc là họ mới gia nhập thị trường, mới làm ra sản phẩm, không có tư tưởng kinh doanh lâu dài.
Bản thân thị trường Trung Quốc đã không muốn nhập khẩu tiểu ngạch nữa và họ đã yêu cầu Việt Nam phải chuyển sang chính ngạch từ lâu nhằm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng nông sản.
Rõ ràng họ muốn làm ăn đàng hoàng, quy củ, trong khi doanh nghiệp Việt lại cứ muốn giữ", vị chuyên gia chỉ rõ.
Khẳng định chuyển sang buôn bán chính ngạch, cả doanh nghiệp Việt và thị trường Trung Quốc đều được lợi khi mua bán bảo đảm, tin cậy lẫn nhau, ít rủi ro, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết, đây là xu thế tất yếu. Các nhà buôn Trung Quốc làm ăn với cả thế giới, trong đó có các thị trường như Mỹ, châu Âu... Tất nhiên vẫn còn số ít nhà buôn Trung Quốc nhỏ lẻ, gian dối, giữ cách làm cũ nhưng Việt Nam không thể trông chờ vào những đối tượng ấy.
"Chúng ta phải làm ăn đàng hoàng, giữ mối quan hệ lâu dài, chiến lược, không phải mua bán một vụ là xong. Đó là lối làm ăn chuyên nghiệp và Việt Nam muốn phát triển thì phải thay đổi, mà trước hết là nông nghiệp, nông sản, không có cách nào khác", ông nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng lạc quan cho rằng, Việt Nam có thể đáp ứng được những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật, Australia... thì hoàn toàn có thể đáp ứng được thị trường Trung Quốc, chỉ cần doanh nghiệp Việt chịu khó thay đổi.
Thành Luân
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường