Trung Quốc không còn là miền đất hứa với các doanh nghiệp Hàn Quốc
Các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc Samsung Electronics, Hyundai Motor, Kia Motors và LG Electronics đang dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung Electronics, Hyundai Motor, Kia Motors và LG Electronics đang dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Điều này là nhằm giảm bớt sự phụ thuộc quá mức khiến họ dễ bị tổn thương bởi sự kết hợp giữa cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương và căng thẳng địa chính trị.
"Có vẻ như trước đây, các doanh nghiệp Hàn đã cố gắng chịu đựng việc này để không làm mất lòng chính phủ Trung Quốc, nhưng giờ đây họ không thể chịu thêm được nữa", theo nguồn tin tại một tổ chức tài chính lớn của Nhật Bản, thường xuyên giao dịch với các công ty Hàn Quốc.
Samsung đã khởi đầu xu hướng chuyển dịch sản xuất nêu trên. Khi mà doanh số điện thoại thông minh của Trung Quốc sụt giảm trong những năm gần đây - công ty chiếm chưa đến 1% thị trường theo doanh số bán trong năm 2018 - và thực sự nó chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi công ty tạm dừng sản xuất nhà máy lớn ở Thiên Tân.
Samsung đã làm tất cả những gì có thể để duy trì hoạt động, vì việc dừng nhà máy sản xuất chắc chắn sẽ khiến công ty phải chịu nhiều áp lực từ chính phủ Trung Quốc, bởi họ muốn bảo vệ công ăn việc làm. Nhưng cuối cùng, vào năm ngoái, Samsung đã quyết định chấm dứt sản xuất điện thoại thông minh tại nhà máy.
Điều này đã dẫn đến một loạt các động thái tương tự của các doanh nghiệp Hàn Quốc khác. "Khi Samsung khởi động xu hướng chuyển dịch, gánh nặng tâm lý đối với chúng tôi là thấp hơn", một nhân viên tại một công ty Hàn Quốc cho biết.
Hyundai Motor hồi tháng 5 đã tạm thời đình chỉ hoạt động của một nhà máy ở Bắc Kinh - nơi có khả năng sản xuất 300.000 xe mỗi năm. Kia cũng sẽ kết thúc việc sản xuất ô tô thương hiệu Kia tại một nhà máy của tỉnh Giang Tô vào cuối tháng này. Nhà sản xuất thiết bị LG Electronics gần đây đã chuyển việc sản xuất tủ lạnh cho người tiêu dùng Hoa Kỳ tại một cơ sở ở tỉnh Chiết Giang sang Hàn Quốc.
Trong khi đó, Samsung đang xem xét cắt giảm sâu hơn, cung cấp các gói trợ cấp thôi việc tự nguyện cho nhân viên tại một nhà máy sản xuất khác tại Trung Quốc của họ ở tỉnh Quảng Đông.
Việc các công ty Hàn Quốc đầu tư lớn và chấp nhận rủi ro tại thị trường Trung Quốc không phải là tin mới. Nhưng việc chuyển dịch mạnh mẽ của các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai đã cho thấy rằng họ ngày càng lo lắng cho hoạt động kinh doanh của mình.
Năm 2002, Samsung dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh với các mẫu máy được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, trong khi Hyundai đứng thứ ba về doanh số ô tô vào năm 2016, chỉ sau Volkswagen và General Motors, nhờ các loại xe thể thao đa dụng cực kỳ phổ biến.
Nhưng sự gia tăng số lượng công ty Trung Quốc về chip và xe hơi đã khiến họ gặp khó khăn. Samsung đã rớt khỏi top 10, trong khi Hyundai trượt khỏi vị trí thứ hai xuống khoảng thứ sáu hoặc thứ bảy.
Vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn khi Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vào năm 2017, điều mà Bắc Kinh phản đối vì lý do an ninh quốc gia. Động thái đó đã thúc đẩy là sóng tẩy chay các công ty Hàn Quốc, khiến tập đoàn Lotte phải rút khỏi hoạt động kinh doanh siêu thị tại Trung Quốc.
Ảnh hưởng của việc tẩy chay đó đã kéo dài trong khoảng hơn 1 năm và ngay khi nó có chút khởi sắc, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra. Các chuyến hàng của Hàn Quốc đến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ, chiếm khoảng 26% xuất khẩu, đã giảm 20% vào tháng 5.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Huawei có vẻ sẽ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Nếu các biện pháp vẫn được áp dụng, các đơn đặt hàng chip theo kế hoạch của Huawei từ các công ty Hàn Quốc sẽ cần phải bị hủy bỏ, dẫn đến thị trường Hàn tràn ngập hàng tồn kho dư thừa. Điều này có thể sẽ kéo giá xuống, làm giảm lợi nhuận trong kinh doanh chất bán dẫn của Samsung.
Chip là ngành công nghiệp quan trọng nhất đối với nền kinh tế Hàn Quốc, chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu của nền kinh tế. Điều kiện thị trường vốn dĩ đã đủ tồi tệ, khi giá giảm, và vấn đề của Huawei càng khiến thị trường trở nên khó khăn.
Hơn nữa, đợt áp thuế tiếp theo của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, có thể diễn ra vào tháng tới, bao gồm các sản phẩm như điện thoại thông minh và máy tính cá nhân, vốn là thế mạnh của Hàn Quốc. Các mức thuế sẽ trực tiếp đánh vào các doanh nghiệp Hàn Quốc, vốn xuất khẩu số lượng lớn hàng hóa trung gian như phụ tùng vào Trung Quốc để gia công và lắp ráp trước khi xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ.
Quyết định của hai trong số ba nhà mạng di động lớn của Hàn Quốc không hợp tác với Huawei về mạng 5G, các mạng không dây cũng đã gây ấn tượng không tốt với Bắc Kinh.
Hà Linh/Nguồn SCMP
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường