Treo thưởng xin đừng làm rối đội tuyển

Thứ năm, 13/12/2018, 09:53 AM

Bàn thắng mở tỉ số của Huy Hùng vào lưới Malaysia giúp anh bỏ túi 1 tỉ đồng tiền thưởng từ một doanh nghiệp, thoạt nghe thấy vui nhưng rồi lại lo cho tuyển Việt Nam vốn đang trong giai đoạn cần tập trung nhất...

Đồng hành cùng tuyển Việt Nam suốt chặng đường từ những ngày đầu AFF Cup 2018 cho đến trận chung kết lượt đi trên sân Bukit Jalil của Malaysia, người viết có nhiều dịp trò chuyện và cảm nhận được sự đoàn kết tuyệt vời của thầy trò HLV Park Hang-seo trong suốt chiến dịch chinh phục chiếc cúp vô địch.

Chính sự đoàn kết đó từng giúp U23 Việt Nam giành ngôi á quân U23 châu Á hồi đầu năm, rồi đến đội tuyển Olympic Việt Nam - nòng cốt là lứa U23 - vào đến bán kết Á vận hội 2018. Tuy nhiên, trong nhiều câu chuyện đã nghe, có một câu chuyện để lại nhiều băn khoăn, đó là về tiền thưởng. "Không biết đợt này vào chung kết, có được thưởng nhiều bằng đợt U23 châu Á hay không? Tôi đang xây nhà nên nghe mấy chú nói cứ yên tâm đá, vô địch thưởng lớn hơn của U23 châu Á nên mừng lắm vì tích cóp lại xây cái nhà cho tươm tất để yên tâm thi đấu" - một tuyển thủ đã chia sẻ với đồng đội như vậy trong chuyến bay sang Malaysia và ngay lập tức trở thành một đề tài bàn luận nóng của các cầu thủ.

Đội tuyển Việt Nam đang cần sự tập trung cao nhất để chuẩn bị thật tốt cho trận chung kết lượt về với Malaysia. Ảnh: Đức Anh

Đội tuyển Việt Nam đang cần sự tập trung cao nhất để chuẩn bị thật tốt cho trận chung kết lượt về với Malaysia. Ảnh: Đức Anh

Ở VCK giải U23 châu Á, khi trở về nước với tư thế của những người hùng giành ngôi á quân, các cầu thủ U23 Việt Nam được chia thưởng hơn 50 tỉ đồng và rất nhiều hiện vật. Việc treo thưởng luôn là một câu chuyện rất nhạy cảm, nhất là với các cầu thủ trẻ. Nhiều cầu thủ hiện tại ở tuyển Việt Nam vẫn chỉ nhận lương dành cho cầu thủ trẻ lúc khoác áo CLB chứ không phải khoản lương chuyên nghiệp cũng như đã có hợp đồng chuyển nhượng tiền tỉ. Chính vì vậy, khi nhận được những khoản thưởng lớn như vậy, tâm lý các cầu thủ trẻ bị dao động cũng là dễ hiểu.

Ngay cả các thành viên ban huấn luyện cũng cảm thấy vấn đề treo thưởng rất nhạy cảm. Đơn cử như ở giải U23 châu Á, việc chia thưởng thành 3 mức khác nhau, ban huấn luyện cũng để cho chính các tuyển thủ họp lại và tự phân chia để tránh những điều tiếng không hay. Vì thế, dù rất vui vì trước mỗi trận đấu, lại xuất hiện những đơn vị treo thưởng tiền tỉ nhưng bản thân ban huấn luyện cũng rất lo lắng vì sợ tâm lý học trò dao động, nhất là với những khoản treo thưởng như trường hợp của Huy Hùng.

Bàn thắng mở tỉ số của Huy Hùng vào lưới Malaysia giúp anh bỏ túi 1 tỉ đồng tiền thưởng từ 1 doanh nghiệp, thoạt nghe thấy vui nhưng rồi lại lo cho tuyển Việt Nam vốn đang trong giai đoạn cần tập trung nhất. Bản thân các tuyển thủ dù luôn khẳng định toàn tâm toàn ý cho thi đấu, chuyện chia thưởng luôn để sau giải nhưng ai cũng hiểu, với môn thể thao tập thể, việc treo thưởng theo kiểu kích thích cá nhân rất nhạy cảm. Vì thế, dễ hiểu vì sao dư luận cũng như bạn đọc Báo Người Lao Động phản ứng gay gắt với kiểu treo thưởng như tạo thêm áp lực không đáng có này, nhất là khi chúng tôi đăng bài "Nói thẳng: Đừng tặng "độc dược" cho tuyển Việt Nam" (https://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-dung-tang-doc-duoc-cho-tuyen-viet-nam-20181212095547976.htm). 

Thưởng cá nhân quy thành tập thể

Theo thống nhất giữa các thành viên trong đội tuyển, việc treo thưởng cá nhân, nếu là tiền mặt sẽ đều quy vào tập thể, từ đó giúp cho các tuyển thủ không phân bì, so đo. Riêng về treo thưởng hiện vật thì các tuyển thủ sẽ được nhận riêng.Chuyên gia Trịnh Minh Huế:

Cần chia cho tập thể hưởng

Vấn đề thưởng nóng thường xuất phát từ lãnh đạo doanh nghiệp hay mạnh thường quân nào đó. Có thể người ta chỉ quý, thích một cầu thủ nào đó và chỉ mong người đó ghi bàn để thưởng mà thôi. Nếu là tổ chức nhà nước thưởng thì sẽ phải đặt tập thể lên trên hết, nhưng nếu là cá nhân hay doanh nghiệp thưởng thì đó hoàn toàn là quyền của cá nhân. Tuy nhiên, trước đây tôi đã từng thi đấu rồi làm bóng đá cũng được thưởng rất nhiều từ cá nhân và cả tập thể, tập thể thì sẽ chia công bằng nhưng khi một cá nhân nào đó nhận được một khoản thưởng thì vẫn sống tình cảm để chia cho cả tập thể được hưởng chứ không dành hết phần thưởng đó về bản thân.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn:

Cần sự thống nhất

Việc chia thưởng là vấn đề nhạy cảm nên sẽ được cả đội bàn rồi thống nhất với nhau. Trước đây tôi từng làm trong môn bóng chuyền nên hiểu rõ rằng khi một cá nhân nào đó được treo thưởng thì cá nhân đó cũng sẽ chiêu đãi hoặc chia cho đồng đội, rất thoải mái và tình cảm với nhau.

Anh Dũng

Theo NLĐ