Trắng trợn làm giả giấy tờ, con dấu để buôn bán thận người!
Liên tiếp các đường dây buôn bán thận người bị bóc gỡ, kèm theo giọt nước mắt ân hận của các “ông bà trùm”. Họ khai nhận đã “giao dịch đen” trót lọt hàng chục quả thận người. Vậy, có bao nhiêu cửa kiểm soát của chúng ta đã bị qua mặt?
Người vừa mua thận, lại vừa rao bán thận
Một câu hỏi đặt ra ở đây, là các đối tượng đã làm thế nào để hợp pháp hóa các giao dịch phạm pháp của chúng? Tại sao việc mua bán trắng trợn kia lại được ngụy trang dưới dạng “nghĩa cử thiêng liêng cứu người”, để rồi tiền tỉ vào túi những kẻ xấu?
Vào vai người có nhu cầu bán thận do lâm vào nợ nần vì cờ bạc bị kẻ xấu đe dọa “xử”, nhóm phóng viên Báo Lao Động đã có tên trong các “Hội kín” mua bán thận. Chúng tôi được các đối tượng dụ dỗ ngon ngọt một cách tàn độc.
Bản chụp màn hình chat cho thấy các lời khuyên lừa mị, kiểu như: Em cứ bán thận đi, 240 triệu đồng/quả. Chẳng làm sao cả. Con người ta có hai quả thận. Một quả hoạt động và một quả nghỉ ngơi “ngồi ghế dự bị”. Bán quả đang ngồi nghỉ. Quả kia vẫn hoạt động bình thường. Mà em lại được bảo hiểm suốt đời nhờ “hiến thận cứu người”. Chị sẽ ứng chục triệu trước cho em tiêu Tết.
Họ cũng gửi cả mẫu đăng ký “hiến thận” để chúng tôi điền trước cho nhanh, và hướng dẫn: "Bố mẹ không đồng ý cho bán thì em làm giả đăng ký kết hôn, thuê một người nào đó là vợ em, rồi đến ký giấy "đồng ý” là xong. Hoặc là thuê người nào đó làm giả bố mẹ em, “mua” một hai cái chứng minh thư giả, làm giả hộ khẩu nữa"...
Sau khi chóng mặt với một thế giới mua bán giấy tờ giả, tìm những kẻ vật vờ đóng thế là cha mẹ, vợ chồng của mình, chúng tôi đã quyết định vào cuộc. Một chủ đường dây đánh bài ngửa: Nếu để bọn anh (chị) lo việc giả đăng ký kết hôn và thuê người vào vai bố (mẹ) hoặc vợ (chồng) em đến ký giấy đồng ý cho em “hiến” (thật ra là bán) thận, thì khá tốn kém. Tiền đó em phải lo. Vậy là trừ đi vài chục triệu đồng, tiền bán thận chỉ khoảng 180 triệu đồng/quả thôi.
Họ còn hẹn chúng tôi ra "Việt Đức" nói chuyện. Họ còn cảnh báo cẩn trọng kẻo “nhọ” (đen đủi) bị công an tóm là mất ăn Tết đó.
Đi sâu vào các thủ đoạn của các đối tượng, chúng tôi phát hiện ra một đối tượng tên “Mại” có số điện thoại “rất quen”, lúc thì rao bán thận gấp với đủ loại thận với các nhóm máu (!), lúc lại đòi mua thận gấp ở trên mạng. Vẫn cái tên đó, vẫn số điện thoại đó, sao lại vừa vỡ nợ đòi bán thận, mà có đủ các loại thận các nhóm máu để bán (?); lại vừa bị suy thận hỏng thận cần mua?
Lần theo các giao dịch, bằng nguồn tin đặc biệt có được, nhóm phóng viên phát hiện các dấu hiệu đây là một “trùm” buôn bán thận người quy mô không hề nhỏ.
Lộ diện "Đăng ký kết hôn" giả
Cụ thể như sau: Chị Nguyễn Đình Phương T. quê gốc Đan Phượng, Hà Nội, thường trú ở đường Lê Duẩn, TP tỉnh lỵ Đắc Lắc bị suy thận mãn tính cần ghép thận để được sống. Chắc là bệnh nhân này sẽ rất vui khi có người nói một phụ nữ tên là Trần Thị Thanh Hải đang có lòng tốt muốn “hiến thận” cứu người. Có thể hai bên đã gặp nhau và giao dịch thế nào đó. Theo quy định của ngành y tế nước ta, thì nếu Hải có chồng rồi, việc "hiến thận" của Hải phải được sự đồng ý của chồng, chồng ký hoặc điểm chỉ vào văn bản rồi cơ sở y tế ghép thận để gặp gỡ và xác nhận điều đó với Hội đồng y học. Thế là, tự dưng người đàn ông tên Mại vừa mua vừa bán thận kia lại biến thành “chồng” của Trần Thị Thanh Hải. Hải và Mại có cả đăng ký kết hôn.
Hải có đơn xin “Tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống”, theo đúng mẫu Bộ Y tế ban hành. Hải ký và điểm chỉ vào ngày 29/3/2018. Ở đó ghi rõ: Tôi viết đơn “hoàn toàn minh mẫn và tỉnh táo”, “xin chịu trách nhiệm trước pháp luật” rằng mình muốn tự nguyện hiến bộ phận cơ thể mình, vì nền y học nước nhà. Có hộ khẩu của Hải và Mại kèm theo. Có chứng minh thư rõ ràng.
Riêng Hải, có cả xác nhận “hạnh kiểm” do một Thiếu tá, Phó trưởng Công an Phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương ký tên và đóng dấu.
Chưa hết, Mại và Hải còn có cả đăng ký kết hôn.
Vậy là, nếu tin vào các hồ sơ trên, thì họ có hoàn hảo mọi điều kiện để “hiến thận cứu người” chăng?
Tuy nhiên, chúng tôi lần theo địa chỉ, Trần Duy Mại quê ở Nghệ An, “lấy” Hải làm “vợ” ở tận trong Bình Dương, rồi cả hai tốt bụng tự nguyện ký giấy để Hải hiến thận cứu người ở Đắk Lắk. Đấy là chưa kể khi nộp hồ sơ vào bệnh viện đề nghị được ghép thận, cán bộ y tế thấy cặp đôi “tốt bụng” này nhiều biểu hiện nghi vấn khác.
Phóng viên Lao Động đã liên lạc với ông Bùi Gia Hảo, Chủ tịch UBND xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông Hảo cho biết: đúng là Trần Duy Mại có hộ khẩu thường trú tại xã Cát Văn. Tuy nhiên, xã chưa bao giờ thực hiện đăng ký kết hôn cho Mại và Trần Thị Thanh Hải cả. Anh ta thường xuyên vắng khỏi địa phương.
Vậy “Giấy chứng nhận kết hôn” của Hải và Trần Duy Mại (SN 22.5.1979, CMND 182278197), do cán bộ xã Cát Văn Hoàng Đình Trường ký ngày 25/12/2017 là giả? Đến nay, UBND xã Cát Văn đã chính thức có công văn nêu rõ: Năm 2017, xã đăng ký kết hôn cho 65 cặp, không có cặp nào là Mại và Hải hết.
Vậy ai đó đã đứng trên luật pháp để phịa ra “Đăng ký kết hôn” kể trên. Và chắc chắn sự giả dối không chỉ dừng lại ở đó.
(còn nữa)
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội