Trải nghiệm du lịch Long Cốc nơi 'bồng lai tiên cảnh' đất Tân Sơn

Thứ ba, 26/11/2024, 10:37 AM

Những đồi chè như bát úp trùng điệp ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đang là địa chỉ thu hút du khách thập phương đến để trải nghiệm không gian sinh thái với những đồi chè xanh ngát trong ánh ban mai và thưởng thức văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Mường.

Là một xã miền núi có trên 93,3% đồng bào dân tộc Mường, thu nhập chính của người dân xã Long Cốc là các sản phẩm nông nghiệp, trong đó cây chè được xác định là cây chủ lực. Những năm qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực thay đổi nhận thức, cách làm du lịch của người dân để vùng chè có thể thu hút nhiều hơn du khách, cũng như tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm chè sạch an toàn đến với người tiêu dùng.

Đến với Long Cốc, ngoài việc hòa mình cùng cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, du khách còn được thỏa sức sáng tạo những tấm ảnh tuyệt đẹp về đồi chè và thưởng thức những chén trà thơm ngon giữa đỉnh đồi thơ mộng. Nơi đây được mệnh danh là “chốn bồng lai tiên cảnh của miền Trung du”. Đến đây, du khách như lạc vào không gian thuần khiết của hàng trăm ha chè nằm hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ. Những con đường đất uốn lượn, quanh co bên sườn đồi và khung cảnh tuyệt đẹp của các đồi chè sẽ đưa du khách đi từ những ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Với thắng cảnh trời ban và khí hậu ôn hoà, Long Cốc là điểm đến mà bạn có thể ghé thăm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nhưng thời điểm lý tưởng nhất là từ tháng 3 đến tháng 12 hàng năm. Lúc này, chè lên xanh mát phủ kín cả ngọn đồi, tạo thành những tấm thảm xanh đầy sức sống.

Lịch sử của đồng bào dân tộc Mường ở Long Cốc gắn liền với tập quán sinh hoạt gần gũi với thiên nhiên, với những lễ hội cồng chiêng tạo nên không khí thiêng liêng và đậm chất văn hoá Mường. Văn hoá cồng chiêng là một trong những nét văn hoá độc đáo của người Mường ở Long Cốc. Trong các dịp lễ hội, đặc biệt là lễ hội đầu xuân, âm thanh cồng chiêng vang lên rộn ràng khắp bản làng. Đối với người Mường, cồng chiêng còn là một phần không thể thiếu trong các lễ hội, như lễ hội cầu mùa, lễ hội đâm đuống, hay các dịp cưới hỏi.

Đến Long Cốc, du khách còn được thưởng thức món cỗ lá-văn hoá ẩm thực độc đáo do những người phụ nữ Mường chế biến. Đây là một dạng bữa ăn truyền thống với các món ăn được bày biện trên lá chuối, tượng trưng cho sự gần gũi với thiên nhiên. Cỗ lá của người Mường gồm nhiều món ăn dân dã nhưng phong phú, như thịt gà, thịt lợn rừng, cá suối nướng, rau rừng và các loại bánh gói lá. Đặc biệt, món thịt chua và món xôi ngũ sắc là những món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cỗ. Các món ăn không chỉ phản ánh sự khéo léo, tinh tế trong chế biến mà còn thể hiện rõ sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên.  Văn hoá cồng chiêng và ẩm thực cỗ lá không chỉ là những giá trị văn hoá truyền thống mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Những giá trị này không chỉ giúp cộng đồng người Mường kết nối với nhau mà còn tạo sự thu hút đối với khách du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, phụ nữ Mường ở Long Cốc đóng vai trò quan trọng trong cả gia đình và xã hội, là những người gìn giữ và truyền dạy văn hoá, phong tục truyền thống cho các thế hệ sau. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, vai trò của phụ nữ Mường đang dần thay đổi. Họ không chỉ tham gia vào các hoạt động kinh tế gia đình mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ giáo dục, y tế đến các phong trào bảo vệ môi trường. Những giá trị văn hoá, tinh thần này không chỉ giúp cộng đồng người Mường kết nối với nhau và tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch mỗi khi đến với Long Cốc.

Theo Nguyễn Hoàng Thanh Mai (Tạp chí lao động xã hội)
Từ khóa: