Trách nhiệm Bộ Nông nghiệp trước "sóng" tăng giá thịt heo
Lần đầu tiên trong lịch sử ngành chăn nuôi, giá thịt heo cao hơn giá thịt bò đã tác động không nhỏ đến bữa cơm gia đình và việc kinh doanh của nhiều người.
Giá heo hơi tại các trang trại ở khu vực phía Nam lên mức 93.000-95.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
Trong ngày 18-12, trước tình trạng giá cả thịt heo tăng cao, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá - về tình hình giá thịt heo và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương báo cáo Thủ tướng về tình hình giá thịt heo và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Phó thủ tướng cũng phê bình và yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về việc thiếu hụt thịt heo, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.
Giá quá cao, người nuôi "găm hàng"
Theo ghi nhận, mức giá thịt heo đã tăng 15.000-25.000 đồng/kg tùy loại so với đầu tháng 12, và hơn 55.000-65.000 đồng/kg so với thời điểm giữa năm. Việc tăng giá thịt heo đã ảnh hưởng đến rất nhiều người.
Đắn đo trước quầy thịt tại siêu thị ở Q.3 (TP.HCM) hồi lâu, bà Nguyễn Thị Thành quyết định mua 400g sườn non với giá 255.000 đồng/kg. "Giá thịt heo giờ đã ngang với thịt bò, nhưng thằng cháu tôi chỉ thích ăn sườn non nên đành phải mua chứ mắc quá" - bà Thành nói.
"Khoảng hai tuần nay, giá thịt heo bán ra tại chợ đầu mối hầu như mỗi ngày một giá" - ông Lê Văn Tiển, phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết.
Ông Tiển cho biết lượng thịt heo về thấp không phải không có heo để bắt mà do nhu cầu tiêu dùng giảm vì giá quá cao, thương lái không dám nhập về nhiều vì sợ ế.
"Hơn tháng nay, cuối buổi chợ vẫn còn thịt heo, tuy lượng còn không nhiều nhưng điều đó thể hiện không có tình trạng "cháy hàng" tại chợ như lo lắng" - ông Tiển khẳng định.
Đại diện của các công ty chăn nuôi lớn như CP, Emivest, CJ cho hay nguồn cung cấp heo hơi từ các đơn vị này ra thị trường vẫn ổn định chứ không giảm. Do đó, heo tăng giá chủ yếu do tổng đàn trong các hộ nuôi trang trại hay nhỏ lẻ đã giảm rất mạnh. Vì vậy, giá từ nay đến cuối năm sẽ còn tăng nữa và sẽ vượt mốc 100.000 đồng/kg.
Thị trường giá heo hơi cũng biến động mạnh. Những ngày gần đây giá heo hơi tại thủ phủ chăn nuôi heo Đồng Nai liên tục tăng mạnh, thậm chí có ngày tăng đến 5 giá (5.000 đồng/kg).
Trước tình hình giá heo lập "đỉnh", thay vì cố gắng tái đàn, nhiều chủ trại, hộ chăn nuôi đang tìm cách "găm hàng". Đồng thời nâng sản lượng thịt heo lên cao bằng cách tăng trọng cho heo từ 120-130kg/con, thậm chí 140kg/con.
"Trước đây heo đạt 100kg/con đã xuất chuồng thì nay các trại nuôi heo đến 120-130kg mới bán. Việc này không chỉ lợi được giá heo giống mà người nuôi còn lãi 2-3 lần chi phí cho mỗi ký heo tăng trọng" - ông Phạm Văn Đạo, chủ trại heo ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), cho biết.
Cơ hội để chuyển đổi sang dùng nhiều thịt gia cầm
Ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN - cho rằng vấn đề giá heo và thịt heo thời gian gần đây đang bị làm quá lên gây tâm lý bất an không cần thiết. Giá heo tăng nóng là kết quả tất yếu của dịch tả heo châu Phi trên toàn quốc làm giảm tổng đàn heo.
Với một đất nước mà 70% lượng thịt tiêu thụ là thịt heo thì rất dễ cho rằng sẽ khủng hoảng thiếu thịt heo trong dịp Tết. Tuy nhiên, người tiêu dùng VN nên có quan điểm khác đi về thịt heo để đối phó với tình hình khan hiếm và giá cả tăng cao như hiện nay.
Cụ thể, các nước phát triển có tỉ lệ thịt heo chỉ 20-30% trong cơ cấu thịt, trong khi VN thịt heo chiếm tới 70%. Đây là cơ hội để chuyển đổi cơ cấu này sang hướng tiêu dùng nhiều thịt gà, vịt hơn bởi đây là nguồn cung cấp rất dễ tái đàn, khả năng tăng trưởng nhanh, giá thành rẻ hơn nhiều so với nuôi heo nên giá bán cũng thấp hơn.
Hiện tại giá trứng gà tại trại bán ra ở mức 1.500 đồng/quả, giá trứng vịt là 2.000 đồng/quả không biến động nhiều trong cả năm qua, do đó là nguồn thực phẩm thay thế thịt giá rẻ.
TP.HCM, Đồng Nai bình ổn giá thịt heo
TP.HCM đã huy động các doanh nghiệp kinh doanh chủ lực tham gia chương trình bình ổn thị trường, thực hiện dự trữ mặt hàng thịt heo và các sản phẩm thịt khác. Đơn cử như Vissan dự trữ 3.600 tấn thịt heo trong 45 ngày trước, trong và sau tết.
Tổng nguồn cung mặt hàng thịt heo bình ổn thị trường của TP.HCM là 4.091 tấn/tháng thường và 5.148 tấn/tháng tết, chiếm 21% thị phần toàn TP.
Tại Đồng Nai, tỉnh đã chuẩn bị nguồn dự phòng khoảng 30 tỉ đồng thực hiện khi xảy ra khan hiếm thịt heo hoặc sốt giá, các đơn vị cam kết bình ổn giá và được thanh toán các khoản chi phí phát sinh liên quan đến việc vận chuyển, cung ứng, phân phối hàng hóa đến các vùng, địa phương thiếu hàng.
Tại Hà Nội, dự đoán nhu cầu đáp ứng trong điều kiện bình thường, nhưng khi có dịch bệnh nhu cầu tết tăng cao, khoảng 22.300 tấn heo hơi/tháng (tăng 18-20% so với các tháng thường) thì sản lượng thịt heo sẽ thiếu. Trong đó, nguồn cung heo hơi xuất chuồng tháng 10-2019 là 18.800 tấn (tăng 4.600 tấn so với tháng 9), tháng tết sẽ thiếu khoảng 3.500 tấn.
Nguồn thịt heo thiếu hụt sẽ được bù đắp từ thịt bò, tăng 0,6%, gia cầm tăng 18%, thủy sản tăng 5,9% và khai thác từ các tỉnh, thành lân cận.
N.A
Hơn 400.000 tấn thực phẩm bù đắp do thiếu thịt heo
Trả lời báo chí ngày 18-12 về việc giá heo hơi, thịt heo tiếp tục tăng cao và có thể chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Dịp tết sắp tới, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, TP.HCM đang tiếp tục bình ổn giá. Hà Nội hôm trước họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về chương trình an toàn thực phẩm, báo cáo chỉ thiếu 7 tấn thịt heo, tỉnh Bắc Giang dự trữ khoảng 20.000 tấn thịt heo".
Trước thông tin các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi lớn rục rịch xin tăng giá, Thứ trưởng Tiến khẳng định sau phiên họp của Chính phủ do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì ngày 18-11, Bộ NN&PTNT đã mời các tỉnh trọng điểm, doanh nghiệp họp bàn bình ổn giá thịt heo theo hướng có lợi cho người tiêu dùng, không để giá quá cao. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay còn hơn 25 triệu con heo nên không để lợi dụng dịp này nhằm tăng giá.
Ông Tiến cũng cho biết hiện ngành chăn nuôi có trên 400.000 tấn thực phẩm (thịt gà, bò...) để bù đắp thịt heo thiếu hụt dịp Tết.
E ngại tái đàn
Dù giá heo hơi cao nhưng các hộ chăn nuôi heo tại Đồng Nai vẫn khá dè dặt khi đặt vấn đề tái đàn, nhất là các trang trại, hộ chăn nuôi nằm trong vùng ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi (ASF).
Bà Trần Thị Kim Tuyết - chủ trại heo ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất - cho biết trước đây trại heo nhà bà có khoảng 500-600 con nhưng do bệnh dịch ASF nên hiện chỉ còn hơn 40 con. Dù dịch ASF đã ngưng và giá heo cao "chót vót" nhưng bà Tuyết vẫn không dám tái đàn ồ ạt bởi nỗi ám ảnh dịch bệnh.
Ông Huỳnh Thành Vinh - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai - cho biết sở đã tổ chức và mời các doanh nghiệp, trang trại tham dự các cuộc họp về tái đàn. Tuy nhiên, qua thăm hỏi, phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều e ngại tái đàn.
Theo ông Phạm Trường Yên - phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đến nay TP có 72/76 xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày chưa tái phát dịch ASF. Dù vậy việc tái đàn đang hết sức thận trọng. Theo đó, những trang trại nuôi tập trung và các hộ chăn nuôi đủ điều kiện đảm bảo an toàn sinh học và có sự kiểm soát chặt chẽ của ngành thú y mới được tái đàn.
Hoàng Anh (T/H)
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường