Giá thịt heo tăng chóng mặt, dân lo Tết thiếu thịt

Thứ ba, 26/11/2019, 09:11 AM

Giá heo hơi hiện tại đã tăng gấp đôi kể từ thời điểm dịch tả heo châu Phi lan rộng khắp cả nước vào tháng 6/2019. Tình trạng này đẩy giá thịt heo ngoài chợ tăng mạnh khoảng 50-60% so với thời điểm dịch lan rộng. Người dân đang lo thiếu thịt heo dùng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, ngành chăn nuôi đang đẩy nhanh kế hoạch tái đàn để tăng nguồn thịt heo, đồng thời tăng cung nguồn thịt thay thế (gà, bò…), để bảo đảm nhu cầu thịt dịp Tết. Nhập thịt chỉ là giải pháp cuối cùng.

Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, ngành chăn nuôi đang đẩy nhanh kế hoạch tái đàn để tăng nguồn thịt heo, đồng thời tăng cung nguồn thịt thay thế (gà, bò…), để bảo đảm nhu cầu thịt dịp Tết. Nhập thịt chỉ là giải pháp cuối cùng.

Giá thịt sống và chế biến đều tăng cao

Bà Kim Nhung (42 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM), chủ một quán cơm, vừa đưa hộp cơm cho khách vừa phân bua: “Cơm hôm nay 40.000 đồng nha chị, thịt heo tăng giá quá, chị thông cảm”. Trước đó một tuần, một phần cơm gồm sườn non và trứng chiên chỉ có giá 30.000 đồng. Giá phần cơm này vào những ngày cuối tháng 11/2019 đã tăng hơn 30% so với một tuần trước đó.

Bà Nhung cho biết, giá thịt heo tại chợ mỗi ngày cứ tăng 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại, liên tục trong khoảng một tháng qua. Giá thịt sườn cốt lết hiện đã là 110.000 đồng/kg, sườn non 190.000 đồng/kg, thịt ba rọi là 120.000 đồng/kg. Đó là giá bà mua sỉ ở chợ đầu mối Bình Điền, nếu mua lẻ giá còn cao hơn (sườn non lên đến 220.000 đồng/kg). Mức giá này đều cao hơn 30-60% so với giá bà Nhung mua cách đây một tháng.

Hầu hết các loại thực phẩm chế biến từ thịt heo đều tăng giá. Ngoài các quán cơm, các cửa hàng thức ăn khác (chả giò, bánh mì, hủ tíu…) đều niêm yết giá mới cao hơn. Một cửa hàng bánh mì tại quận 5 (TP.HCM) đã tăng giá mỗi ổ bánh mì thịt từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng từ giữa tháng 11/2019, tức tăng đến 30%. Đây đều là những loại thực phẩm cơ bản mà người tiêu dùng sử dụng hằng ngày. Tình trạng tăng giá nhanh khiến người tiêu dùng lo lắng, nhất là nhu cầu thịt heo trong những ngày Tết sắp đến.

Dịch tả heo châu Phi bùng phát nhanh và lan rộng khắp cả nước làm nguồn cung thiếu hụt, là nguyên nhân chính đẩy giá thịt heo tăng cao. Dịch bệnh này xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam vào đầu tháng 2/2019 tại tỉnh Hưng Yên, sau đó lây lan sang nhiều tỉnh thành khác. Đến đầu tháng 9/2019, dịch bệnh đã lan khắp cả nước, khi Ninh Thuận là tỉnh cuối cùng bị dịch bệnh chưa có thuốc chữa này tràn qua.

Giá heo hơi khi có dịch đến lúc bùng phát khắp cả nước đã tăng gần gấp đôi, cá biệt một số nơi tăng hơn gấp đôi. Vào tháng 6/2019, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh, giá heo hơi tại miền Bắc chỉ khoảng 35.000-39.000 đồng/kg, còn tại miền Nam là 34.000-36.000 đồng/kg. Giá heo tại các trang trại thấp hơn, ở mức 30.000-33.000 đồng/kg.

Mức giá này tăng mạnh vào tháng 9/2019, thời điểm dịch bệnh lan khắp cả nước. Giá heo hơi tại miền Bắc lúc này đã tăng lên mức 47.000-50.000 đồng/kg, tại miền Nam là 40.000-45.000 đồng/kg. Tức tăng khoảng 20-30%. Đến tháng 11/2019 thì giá heo hơi đã tăng gấp đôi. Tại miền Bắc, giá heo hơi đã lên mức 73.000-75.000 đồng/kg, tại thị trường miền Nam là 70.000-75.000 đồng/kg. Trong đó có nhiều nơi gần chạm mốc 80.000 đồng/kg.

Tổng cục Thống kê nói đàn heo cả nước đến tháng 10/2019 đã giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước, cao hơn nhiều con số 8,5% mà Bộ NN-PTNT đưa ra.

Tổng cục Thống kê nói đàn heo cả nước đến tháng 10/2019 đã giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước, cao hơn nhiều con số 8,5% mà Bộ NN-PTNT đưa ra.

Tết Canh Tý 2020 có thiếu thịt heo?

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), tính đến cuối tháng 11/2019, cả nước đã tiêu hủy 5,8 triệu con heo, tương đương hơn 300.000 tấn thịt hơi, chiếm 8,5% tổng lượng heo hơi cả nước. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn cho rằng giá heo hơi tăng quá cao không phải do thiếu hụt nguồn cung, mà có vấn đề trong lưu thông và khâu thông tin.

Thực tế, các đơn vị chăn nuôi có quan điểm trái ngược với nhận định trên. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, nguồn heo trong các hộ nuôi nhỏ lẻ đã rất khan hiếm nên thương lái phải trả giá cao. Đồng thời, số heo tiêu hủy vì dịch thực tế cao hơn các con số báo cáo, do chính sách đền bù chỉ dành cho nông dân, nên các công ty không khai báo số heo bị tiêu hủy.

Mới đây, các cơ quan chức năng cũng đã lên tiếng xác nhận tình trạng thiếu nguồn thịt heo. Tổng cục Thống kê nói đàn heo cả nước đến tháng 10/2019 đã giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước, cao hơn nhiều con số 8,5% mà Bộ NN-PTNT đưa ra. Bộ Công thương dự báo những tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nguồn cung thịt thiếu khoảng 200.000 tấn (tương đương mỗi tháng thiếu 70.000 tấn thịt hơi).

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công thương đánh giá mức độ thiếu hụt nguồn cung thịt heo heo và có kế hoạch tái đàn, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt heo cụ thể. Bộ Công thương sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến và phân phối thực phẩm, được nhập khẩu lượng thịt heo để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tại TP.HCM, Công ty Vissan cho biết, đã liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi, trang trại và nhập thịt heo để tăng nguồn cung cấp cho thị trường. Công ty cũng đã có phương án dự phòng 2.000 tấn thịt heo đông lạnh.

Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, nguồn thịt heo thiếu trong dịp Tết là bình thường, thậm chí sau Tết cũng thiếu. Ngành chăn nuôi đang đẩy nhanh kế hoạch tái đàn để tăng nguồn thịt heo, đồng thời tăng cung nguồn thịt thay thế (gà, bò…), để bảo đảm nhu cầu thịt dịp Tết. “Nhập thịt là giải pháp cuối cùng, hiện nay chuyện nhập thịt cũng không ai cấm” - ông Dương nói.

HOÀNG YẾN

Theo NTD