TPHCM lên kế hoạch phòng chống vi phạm pháp luật xây dựng trong 5 năm tới

Thứ ba, 04/05/2021, 09:13 AM

Sở Xây dựng TPHCM vừa có báo cáo sơ kết công tác phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giai đoạn 2016 – 2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025.

3 nhóm vi phạm phổ biến 

Theo Sở Xây dựng TPHCM, từ năm 2016 – 2020, tình hình vi phạm pháp luật trong xây dựng cơ bản, đất đai và kinh doanh bất động sản diễn ra khá phức tạp. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra có 3 nhóm vi phạm. Cụ thể: 

Nhóm thứ nhất của cán bộ, công chức: Trong lĩnh vực đất đai vi phạm xảy ra chủ yếu liên quan đến trách nhiện quản lý nhà nước của Thanh tra Sở Xây dựng trên địa bàn quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 (cũ), huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và một số quận, huyện khác. Hình thức vi phạm chủ yếu là tách thửa không phù hợp quy hoạch đô thị, không xin ý kiến thảo thuận Sở Quy hoạch Kiến trúc; vi phạm trong chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa đất nông nghiệp không phù hợp, phân lô, bán nền không đúng quy định…; xây dựng không phép, sai phép, xây dựng trên đất nông nghiệp, lấn chiếm kênh, rạch… xử lý chưa dứt điểm.

  Về quản lý tài sản công, những năm gần đây TP xảy ra một số vụ việc liên quan đến cán bộ, công chức bị khởi tố như: khu đất 8 -12 Lê Duẩn (quận 1), khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1); vụ cho thuê đất, bán chỉ định tại số 15 Thi Sách (quận 1); vụ hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng (quận 3) để lấy mặt bằng Hai Bà Trưng (quận 3); vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và các đơn vị có liên quan vụ chuyển nhượng dự án ở Phước Long B (quận 9)… Điều đáng lưu ý các vụ án trên vi phạm chủ yếu đối với cán bộ, công chức là “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Nhóm thứ 2 của các doanh nghiệp nhà nước: Trong giai đoạn 2016 – 2020, Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ đã kiểm tra nhiều tổ chức đảng và đảng viên, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP và Thành uỷ quản lý có những vi phạm trong quản lý sử dụng nhà, đất, tài sản gắn liền với đất thuộc nhà nước; chuyển nhượng dự án, hoạt động đầu tư góp vốn, thoái hoá vốn gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước…

Nhóm thứ 3 của doanh nghiệp tư nhân, cá nhân: Từ năm 2016 đến nay, một số doanh nghiệp bất động sản tại TP bị khởi tố vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; thủ đoạn của họ là lập dự án khống khu dân cư, vẽ ra các dự án “ma” rao bán lừa khách hàng thu về hàng tỷ đồng hoặc ký hợp đồng thoả thuận để bán và thu tiền đối với những dự án chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép… Việc phân lô bán nền trên đất nông nghiệp trái pháp luật diễn ra phức tạp; xây dựng không phép chưa xử lý triệt để, có sự tham gia công khai của môi giới, đầu nậu và có những hành vi đối phó với chính quyền, đe doạ công chức khi kiểm tra xử lý.

Nhóm vi phạm đối với một số doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản và một số cá nhân có dấu hiệu vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức: dự án không có thật để lừa đảo, đẩy giá lên cao, làm dự án, phân lô bán nền trái phép… Bên cạnh đó việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP còn nhiều bất cập, nhiều tranh chấp, khiếu nại đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong 5 năm tới, TPHCM sẽ làm gì để chống vi phạm xây dựng?

Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo UBND quận, huyện tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng thông qua các quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP và kế hoạch liên tịch; Sở Xây dựng rà soát, tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm thực hiện.

Kiên quyết không để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng mà không được kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm. Xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng.

tphcm-lam-gi-de-phong-chong-_601618111986

Ngoài ra, Sở Xây dựng TPHCM sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành, TP. Thủ Đức và các quận, huyện tổng hợp tình hình vi phạm pháp luật trong xây dựng, kinh doanh bất động sản, nghiên cứu thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ đề xuất UBND TP ban hành kế hoạch phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, trình TP trước tháng 6/2021. Trình UBND TP đề xuất của các cơ quan trung ương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý nhà ở, kinh doanh bất động sản nhằm không ngừng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.

Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, các sở, ngành và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quản lý đất đai, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Phối hợp với Sở Tư pháp theo dõi tình hình thi hành pháp luật để xem xét, đánh giá hoạt động thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực xây dựng, qua đó kịp thời chấn chỉnh hoặc áp dụng biện pháp phù hợp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về đầu tư xây dựng.

Bích Trần

Theo phunuonline