TP.HCM: Điều chỉnh tăng diện tích đất cho thương mại, dịch vụ
Ngày 11/8, UBND TP.HCM đã tổ chức công bố Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020). Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Giảm đất nông nghiệp, tăng đất thương mại, dịch vụ
Theo Nghị quyết 80/NQ-CP, so với năm 2015, đến năm 2020, đất nông nghiệp của TP.HCM sẽ giảm từ mức 56,3% còn 42% trong cơ cấu sử dụng đất; đất phi nông nghiệp sẽ được được điều chỉnh từ 43,4% lên 56,9%. Cụ thể, chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp từ 113.634 ha xuống còn 88.005 ha; đất phi nông nghiệp từ 91.556 ha lên thành 118.890 ha. Diện tích chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp của giai đoạn 2016 - 2020 được duyệt là 26.246 ha.
Trong đó, chỉ tiêu cơ cấu sử dụng đất phi nông nghiệp, gồm: đất quốc phòng được tăng từ 2.152 ha lên 3.181 ha; đất khu công nghiệp từ 3.494ha lên 5.914 ha; đất thương mại, dịch vụ từ 1.161 ha lên 3.443 ha; đất phát triển hạ tầng từ 19.598 ha lên 34.921 ha…
Về chỉ tiêu sử dụng đất theo khu chức năng, Nghị quyết 80/NQ-CP đã quyết định giảm diện tích khu sản xuất nông nghiệp từ 67.866 ha xuống còn 48.905 ha; khu phát triển công nghiệp tăng từ 4.148 ha lên 6.246 ha; khu đô thị từ 33.035 ha lên 41.912 ha; khu thương mại - dịch vụ từ 8.669 ha lên 14.625 ha; khu dân cư nông thôn từ 19.015 ha lên 40.611 ha…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 52%, trong khi đó, ngành nông nghiệp chỉ đóng góp 0,06% vào GDP của Thành phố. Cho nên, việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất lần này bằng việc tăng diện tích đất phi nông nghiệp, giảm diện tích đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện để phát triển hơn nữa các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp; cũng như góp phần nâng cấp hạ tầng đô thị, kỹ thuật - xã hội đang ngày càng quá tải, không theo kịp nhu cầu phát triển của thành phố.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong, TP.HCM sẽ tìm giải phá, xây dựng kế hoạch sử dụng có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp còn lại, bằng việc nâng cao năng suất sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành chuỗi các khu vực sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao…
Phát huy tối đa nguồn lực đất đai
Phát biểu tại Hội nghị, ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai đánh giá, TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước sớm điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Phấn, để quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đi vào cuộc sống là việc không dễ dàng. Vì vậy, TP.HCM cần thực hiện hiệu quả 09 nhiệm vụ chính đã được quy định trong Nghị quyết 80/NQ-CP; các quận huyện phải sớm lập quy hoạch điều chỉnh chi tiết quy hoạch của quận huyện mình để sớm triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Thành phố. Ngoài ra, TP.HCM cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm để có những điều chỉnh kịp thời.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, TP.HCM sẽ quyết tâm triển khai hiệu quả Nghị quyết 80/NQ-CP. Theo đó, Thành phố sẽ công khai rộng rãi về nội dung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm đến người dân, tổ chức. Các dự án cụ thể cần thu hồi đất, các phương án đền bù, tái định cư sẽ được công khai chi tiết tại UBND các xã, phường, thị trấn để người dân giám sát, thực hiện. Việc này, không chỉ góp phần bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất, mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thực hiện dự án, ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại địa phương…
Đặc biệt, TP.HCM quyết tâm sử dụng tài nguyên đất hợp lý, hiệu quả, đưa tài nguyên đất trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, tạo ngân sách. Cụ thể, Thành phố sẽ tăng cường giám sát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp đã được ghi vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Theo đó, sau 3 năm, nếu doanh nghiệp không thực hiện các bước triển khai dự án thì Thành phố sẽ hủy bỏ và công bố hủy bỏ dự án, đồng thời giải quyết quyền lợi của người dân tại vùng quy hoạch dự án.
Đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà chậm triển khai thì chủ đầu tư phải có văn bản giải trình và gian hạn dự án, đồng thời vẫn chuyển cơ quan thuế thu nghĩa vụ tài chính theo quy định. Nếu doanh nghiệp không có văn bản đề nghị gia hạn hoặc sau khi được phép gia hạn 24 tháng theo quy định mà vẫn không triển khai thì UBND Thành phố sẽ kiên quyết thu hồi dự án.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng giao Công ty Đầu tư Tài chính Thành phố phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất lập kế hoạch vốn, lên phương án và triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các khu đất trong quy hoạch, sau đó đấu giá các khu đất sạch này để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Việc đấu giá công khai quỹ đất sạch sẽ đem về nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, không làm thất thoát tài sản Nhà nước. Ông Nguyễn Thành Phong lấy ví dụ như trường hợp địa chỉ số 23 Lê Duẩn (quận 1), từ giá khởi điểm ban đầu là 400 tỷ đã nâng lên 1.400 tỷ, sau khi doanh nghiệp trúng đấu giá chậm nộp tiền đã phải chịu mức phạt 200 tỷ, cuối cùng Thành phố thu về 1.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện cần tăng cường trách nhiệm trong việc triển khai Nghị quyết 80/NQ-CP. Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ khẩn trương tham mưu UBND Thành phố ban hành quyết định về phân công nhiệm vụ cụ thể của từng sở ngành, quận huyện trong việc triển khai Nghị quyết 80/NQ- CP.
Tại Hội nghị, người đứng đầu Chính quyền Thành phố đã nghiêm túc phê bình một số vị Chủ tịch UBND các quận, huyện không trực tiếp tham dự mà ủy quyền cho cấp phó tham dự Hội nghị quan trọng này.
Nguyễn Quỳnh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội