Chủ tịch UBND TP.HCM: 'Đừng lợi dụng đất nhà nước để ăn chênh lệch giá'
"Khi giao dự án thì chuyển nhượng hết người này qua người khác để ăn chênh lệch giá. Anh đừng lợi dụng đất nhà nước để ăn chênh lệch giá, đó không phải là nhà doanh nghiệp chân chính", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.
Sáng 11/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị công bố Nghị quyết 80/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020).
Không chấp nhận doanh nghiệp làm ăn gian dối
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, đất nông nghiệp chiếm khoảng 52% nhưng đóng góp chỉ chiếm 0,06% trong tổng giá trị sản phẩm nội địa. Cho nên việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất lần này tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và yêu cầu nâng cấp hoàn thiện hạ tầng đô thị.
Ông Phong đề nghị cần công khai Nghị quyết 80/2018 với kế hoạch sử dụng đất từng năm và các dự án cụ thể, đồng thời công khai chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2020 để người dân biết và giám sát. Các dự án sử dụng đất, các dự án bồi thường phải công bố công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt khu chung cư…
Theo ông Phong, việc công khai này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án, tạo điều kiện giám sát việc thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo quyền lợi của người có đất và giúp cơ quan quản lý theo dõi tiến độ thực hiện dự án, đồng thời phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai trái phép.
“TP.HCM có tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích. Khi giao dự án thì chuyển nhượng hết người này qua người khác để ăn chênh lệch giá. Anh đừng lợi dụng đất nhà nước để ăn chênh lệch giá, đó không phải là nhà doanh nghiệp chân chính”, ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP khẳng định chính quyền TP sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ hết sức cho doanh nghiệp nhưng không chấp nhận doanh nghiệp làm ăn không đúng quy định pháp luật.
Về xử lý các dự án đã được ghi trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, trong hơn 26.000 ha, Sở Tài nguyên và Môi trường đã công bố 3.444 dự án. “Tôi đã yêu cầu rà soát, tất cả các dự án được giao có điều kiện triển khai hay không, không triển khai thì phải thu hồi. Riêng ở huyện Nhà Bè, có 87 dự án nhưng nhiều dự án nhận xong để đó”, ông Phong nói và cho biết đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường lập tổ công tác rà soát lại. Ông Phong nói, không chấp nhận dự án kéo dài mãi như thế.
“Các dự án trong quy hoạch đã được ghi vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại quận huyện, sau 3 năm mà không thực hiện thì công bố hủy bỏ dự án, sau đó giải quyết quyền lợi của người dân trong khu vực dự án. Nếu không kiên quyết và chặt chẽ các này thì sẽ làm không hiệu quả”, ông Phong thẳng thắn nói và cho rằng không có lý do nào lại sử dụng không có hiệu quả.
Cần tăng cường công tác thanh kiểm tra việc sử dụng đất
Trước đó, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, tình hình sử dụng đất trong 5 năm 2011-2015 đã đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích.
“Đã khai thác được tiềm năng về đất đai, tạo nguồn thu cho ngân sách để đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng và là một nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng đô thị mới và nông thôn mới ở TP những năm qua”, những thành quả mà ông Thắng nhắc tới.
Nhưng ông Thắng cũng khẳng định, còn một số chỉ tiêu về sử dụng đất không thực hiện được theo quy hoạch được duyệt, làm hạn chế hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường. Nguyên nhân là do thiếu các giải pháp có tính khả thi để thực hiện quy hoạch sử dụng đất, trong đó có 2 khâu yếu là không cân đối đủ nguồn vốn đầu tư và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Đến cuối năm 2015, TP còn 2.100 ha đất ở đô thị chưa được chuyển mục đích theo kế hoạch được duyệt.
Về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020, ông Thắng cho biết nhóm đất nông nghiệp được điều chỉnh đến năm 2020 là 88.005 ha (năm 2010 là 118.052 ha). Nhóm đất phi nông nghiệp là 188.890 ha, cao hơn 1.080 ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ (năm 2010 là 90.868 ha); trong đó đất phát triển hạ tầng là 34.912 ha, cao hơn 3.244 ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ, tăng 15.233 ha so với năm 2015. Đất ở tại đô thị được điều chỉnh đến năm 2020 là 1.250 ha, cao hơn 134 ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ.
Để thực hiện được kế hoạch trên, ông Thắng đưa ra 5 nhóm giải pháp gồm: đầu tư phát triển, cơ chế chính sách, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ quỹ đất nông nghiệp và tổ chức thực hiện.
Ông Thắng cho rằng, TP.HCM sẽ chú trọng đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh tại 4 hướng. Phía đông: phường Long Trường, quận 9 giáp với trục cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với diện tích khoảng 280 ha. Phía tây: khu vực giáp Quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (200 ha), trục Nguyễn Văn Linh. Phía nam: khu A đô thị mới Nam Sài Gòn, trục đường Nguyễn Hữu Thọ (110 ha). Phía bắc: thuộc khu Tây – Bắc (500 ha), hướng Quốc lộ 22.
Tại các khu đô thị vệ tinh này cũng sẽ xây dựng giao thông kết nối giữa các khu dân cư và các tuyến metro để tiếp cận nhanh với giao thông công cộng. Chú trọng đầu tư các đô thị vệ tinh theo hướng đồng bộ cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi để hạn chế di chuyển người dân vào khu trung tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy chương trình giãn dân ra các khu đô thị mới.
Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục quản lý đất đai cho rằng, việc tổ chức triển khai điều chỉnh quy hoạch đất đai là rất khó khăn và phức tạp, chứ không phải phê duyệt là triển khai được ngay.
Do đó, ông Phấn đề nghị chính quyền TP.HCM thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trong Nghị quyết 80/2018. “Quy hoạch sử dụng đất ảnh hưởng đến nhiều người nên nội dung quy hoạch đất phải là nền tảng cho các ngành, để đảm bảo tính đồng bộ”, ông Phấn nói và đề nghị TP cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, đánh giá sử dụng đất hằng năm.
Gia Hưng
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội