TPHCM chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập
Ngày 25-9, Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản gửi các nhà đầu tư, hiệu trưởng các trường ngoài công lập trên địa bàn TPHCM về yêu cầu chấn chỉnh tình hình hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các đơn vị chỉ được tổ chức hoạt động giáo dục sau khi được cấp phép hoạt động giáo dục, đảm bảo tổ chức hoạt động đúng với các nội dung được cấp phép.
Đối với các trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài, khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục, đơn vị thực hiện hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục. Sau khi được cho phép hoạt động giáo dục, đơn vị tổ chức hoạt động theo quy định.
Khi có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung, thay đổi về một trong các nội dung được cấp phép (như địa điểm hoạt động giáo dục, nội dung hoạt động giáo dục...), đơn vị phải thực hiện hồ sơ đăng ký điều chỉnh và gửi về Sở GD-ĐT TPHCM xem xét và quyết định cho phép hoạt động.
Đối với trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học với cấp học cao nhất là THPT loại hình tư thục (vốn trong nước), khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục, đơn vị thực hiện hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục.
Sau thời hạn 2 năm kể từ ngày quyết định cho phép thành lập có hiệu lực, nếu trường trung học không được cho phép hoạt động giáo dục thì Sở GD-ĐT báo cáo UBND TPHCM quyết định hủy bỏ quyết định cho phép thành lập trường.
Đối với trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài, sau thời hạn 2 năm kể từ ngày quyết định cho phép thành lập có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục không được cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục hết hiệu lực.
Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện hồ sơ gia hạn thời gian hoạt động giáo dục trong thời hạn 6 tháng trước khi quyết định cho phép hoạt động giáo dục hết hiệu lực thi hành.
Về tổ chức hoạt động sau khi được cấp phép, đối với trường phổ thông tư thục (vốn trong nước) phải xây dựng cơ cấu tổ chức theo quy định gồm hội đồng trường, ban kiểm soát, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, hội đồng thi đua khen thưởng, hội đồng kỷ luật...
Trong đó, cơ sở giáo dục phải đảm bảo tỷ lệ ít nhất 40% giáo viên cơ hữu so với tổng số giáo viên theo quy định.
Ngoài ra, các đơn vị thực hiện treo bảng tên trường đúng tên được ghi trong quyết định cho phép thành lập của UBND TPHCM; tuyệt đối không tổ chức quảng cáo và tuyển sinh tại địa điểm chưa được cấp phép, không tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với số lượng chỉ tiêu được Sở GD-ĐT giao tuyển sinh.
Các đơn vị tách biệt hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của nhà trường về huy động vốn, phát hành trái phiếu.
Đối với trường mầm non, trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài, trường hợp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là người biệt phái từ các nước phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định hiện hành về miễn giấy phép lao động.
Các trường phải đảm bảo tổ chức dạy học theo đúng với chương trình được ghi tại quyết định cho phép hoạt động giáo dục của Sở GD-ĐT TPHCM; thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong mỗi cơ sở giáo dục, học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số học sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại đơn vị.
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội
-
Bão Toraji giật cấp 12 vào Biển Đông, trở thành bão số 8