TP HCM dồi dào thuốc điều trị Covid-19
TP HCM vừa được Bộ Y tế cấp thêm 25.000 liều Molnupiravir, 2.300 liều Favipiravir và 2.200 liều xuyên tâm liên. Ngoài ra, TP HCM còn được hỗ trợ trên 30.000 sản phẩm Kovir (thực phẩm chức năng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe khi mắc Covid-19)
Chiều 9-12, tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, thông tin về gói thuốc C (Molnupiravir) trong túi thuốc F0, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết mới đây, TP được cấp thêm 25.000 liều Molnupiravir, 2.300 liều Favipiravir và 2.200 liều thuốc xuyên tâm liên để hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Một số cơ sở y tế, bệnh viện trước đó được cấp thuốc Molnupiravir chưa sử dụng cũng được điều chuyển về các trạm y tế thiếu thuốc để kịp thời cấp phát cho người dân.
Ngoài ra, TP HCM cũng được hỗ trợ trên 30.000 sản phẩm Kovir - thực phẩm chức năng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe khi mắc Covid-19.
"Như vậy, với tình hình hiện tại, TP HCM dồi dào về thuốc. Lượng thuốc này được quản lý, kiểm soát chặt chẽ" - bà Mai khẳng định.
Về thông tin nhiều F0 không được cấp phát thuốc C - Molnupiravir, bà Mai cho biết đây là thuốc kháng virus, không phải đối tượng nào cũng được sử dụng bởi phải dùng cho đúng đối tượng.
"Gói thuốc C cùng với số lượng thuốc được nhận và điều chuyển đến các trạm y tế nếu phát rộng rãi cho người vừa test nhanh dương tính SARS-CoV-2 thì không thể đủ. Do đó, với người bệnh trẻ, khỏe, không có triệu chứng khi mắc Covid-19, đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin thì không thuộc chỉ định uống Molnupiravir. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ dẫn đến hệ quả nguy hiểm, đặc biệt là kháng kháng sinh. Đây là điều rất nguy hiểm cho cộng đồng" - bà Mai nhấn mạnh.
Về việc rao bán Molnupiravir, bà Mai khẳng định đây là thuốc chưa được cấp phép lưu hành. Do đó, việc lưu hành sản phẩm trên không gian mạng, thị trường mua bán đều bất hợp pháp, kể cả người mua lẫn người bán đều vi phạm pháp luật.
"Sở Y tế TP đang phối hợp với Công an TP HCM điều tra, truy vết trường hợp mua bán các loại thuốc này. Quan điểm của sở là xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm" - bà Mai nói.
Cũng tại buổi họp báo, bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết trong tuần qua, quận chuyển đổi cấp độ dịch từ cấp độ 2 lên 3. Đây cũng là địa phương duy nhất nâng cấp độ dịch trong tuần qua.
Lý giải nguyên nhân, bà Mai cho rằng do đặc thù địa hình, địa bàn quận 4 nhỏ, có nhiều xóm lao động, nhiều hẻm nhỏ, do đó việc giao lưu không thể kiểm soát khiến dịch bệnh gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều người còn chủ quan vì cho rằng đã tiêm 2 mũi vắc-xin và là F0 khỏi bệnh nên có thể miễn nhiễm với Covid-19.
Theo bà Đỗ Thị Trúc Mai, ngay khi phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng, quận 4 đã đánh giá và nhận thấy phần lớn là ổ dịch gia đình, khi một người mắc thì những thành viên còn lại cũng dương tính.
Qua thống kê, quận 4 có 18.497 ca mắc Covid-19 từ đầu dịch đến nay. Quận 4 đang có 481 người cách y tại các cơ sở tập trung và 370 trường hợp cách ly tại nhà, trong đó 50 trường hợp đang chờ cách ly tập trung vì gia đình đông người, không đủ điều kiện.
Tin-ảnh: Hải Yến
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội