Tỉnh táo trước cơn sốt tiền số

Thứ ba, 28/05/2019, 10:08 AM

Từ tháng 2/2019 đến nay, Bitcoin đã tăng từ vùng giá 3.400 USD/BTC lên mốc 8.400 USD/BTC. Mức tăng lên đến 250% chỉ trong vòng 3 tháng khiến thị trường tiền số nóng trở lại.

Nhiều nhà đầu tư tiền số (digital currency, còn gọi là tiền ảo, tiền điện tử) từng chinh chiến trước đó khấp khởi hy vọng “về bờ”, lấy lại những thua lỗ trước kia khi lỡ “ôm” Bitcoin ở mức giá cao, trong khi các nhà đầu tư mới lại “mơ” về một kênh đầu tư giúp làm giàu nhanh chóng. Đà tăng mạnh mẽ này của Bitcoin nói chung và tiền số nói riêng cũng làm dấy lên những phi vụ “lừa đảo” đang chờ sẵn các nhà đầu tư non kém kinh nghiệm.

Ảnh chụp màn hình từ website Hextracoin.

Ảnh chụp màn hình từ website Hextracoin.

Hacker hoạt động trở lại

Ngày 8/5 vừa qua, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới tính theo khối lượng giao dịch hàng ngày Binance thông báo bị hacker tấn công và lấy đi 7.000 Bitcoin. Tại thời điểm đó, số Bitcoin này trị giá 40 triệu USD, chiếm 2% tổng số Bitcoin mà Binance nắm giữ.

Trước đó, cuối tháng 3/2019, sàn giao dịch tiền số Bithumb lớn nhất Hàn Quốc gánh chịu một cuộc tấn công của hacker và bị mất số tiền số trị giá khoảng 20 triệu USD.

Bên cạnh đó, còn vô số những sự kiện hacker tấn công vào các nhà đầu tư cá nhân để chiếm quyền quản trị ví chứa tiền số hoặc cài vi rút, giả mạo địa chỉ ví nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Vấn đề bảo mật chưa bao giờ là cũ trong thế giới tiền số. Tính chất ẩn danh khi giao dịch khiến các nhà đầu tư tiền số gần như vô vọng trong việc thu hồi lại số tài sản đã bị hacker chiếm đoạt. Đối với các vụ hacker tấn công sàn giao dịch, nhà đầu tư có thể nhận lại tài sản đã mất theo chính sách bồi hoàn của sàn. Tuy nhiên, trong các trường hợp bị mất tiền do lừa đảo cá nhân, nhà đầu tư tiền số xem như mất trắng. Vì vậy, nếu đã tham gia đầu tư tiền số, việc am hiểu tương đối về bảo mật (xác thực 2 lớp, bảo vệ máy tính khỏi vi rút...) là điều cơ bản nhất mà nhà đầu tư tiền số cần nắm.

Vốn hóa của đồng Bitcoin đang ở mức 136 tỷ USD.

Vốn hóa của đồng Bitcoin đang ở mức 136 tỷ USD.

Sự “hồi sinh” của các tổ chức lừa đảo quy mô lớn

Câu chuyện Bitconnect, một nền tảng lending (cho vay) phi tập trung dựa vào Bitcoin đóng cửa vào đầu năm 2018 đã từng tạo ra một cơn địa chấn trong giới đầu tư tiền số toàn cầu.

Trước đó, Bitconnect xây dựng mô hình đầu tư hứa hẹn đem đến lợi nhuận rất cao, lên đến 40%/ tháng, thu hút đông đảo người tham gia. Hình ảnh những chuyến du lịch xa hoa, siêu xe, hội nghị sang trọng... của Bitconnect từng xuất hiện rất nhiều trên YouTube, làm “động lòng” không ít nhà đầu tư, để rồi sau đó, khi đồng BCC (đồng tiền số riêng của Bitconnect) lao dốc, số vốn của nhà đầu tư toàn cầu bốc hơi không ít.

Ở Việt Nam, số lượng nhà đầu tư “gặp nạn” Bitconnect được dự đoán lên đến vài ngàn người với thiệt hại là ngàn hàng tỷ đồng. Câu chuyện Bitconnect cũ chưa kịp lắng xuống thì bất ngờ, trên website của mình, Bitconnect thông báo rằng họ sẽ trở lại với tên gọi Bitconnect 2.0 cùng dòng chữ “will be back soon” (sẽ sớm quay lại) và một đồng hồ đếm ngược. Với quá khứ “bất hảo” của mình, những nhà đầu tư tiền số có ý định đầu tư vào Bitconnect cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng.

Nếu Bitconnect được coi là “anh cả” của thị trường lending, thì Hextracoin, Regalcoin, Ucoincash chính là các “đàn em” lừng lẫy một thời, từng thu hút và làm tiêu tan không ít tài sản của nhà đầu tư nhẹ dạ, thích làm giàu nhanh chóng nhưng thiếu kiến thức.

Tương tự “đàn anh” Bitconnect, Hextracoin vừa công bố khả năng “will be back soon” (sẽ sớm trở lại) của mình trên website kèm theo đồng hồ đếm ngược. Trên mạng xã hội Facebook và Twitter của mình, Hextracoin thông báo “Chúng tôi sẽ khởi động Hextracoin 2.0 vào ngày 8/7. Chúng tôi sẽ mang cho các bạn những cơ hội đầu tư với nhiều lợi nhuận hơn”

Bitconnect, Hextracoin hay các tổ chức lừa đảo theo hình thức đa cấp khác dựa vào tiền số đều “vẽ” ra một bức tranh màu hồng về khả năng làm giàu nhanh chóng, dễ dàng nhưng thực chất đều hoạt động theo hình thức lừa đảo Ponzi hoặc lừa đảo kim tự tháp, lấy tiền của người sau để trả cho người trước, xây dựng một mạng lưới ăn chia hoa hồng nhiều tầng lớp nhằm biến chính các nạn nhân thành những mắt xích đi kiếm nạn nhân mới, bao gồm cả người thân hoặc bạn bè.

Trong bối cảnh đồng Bitcoin tăng giá mạnh mẽ như hiện nay, các hình thức lừa đảo này sẽ nở rộ trở lại. Nếu nhà đầu tư tiền số “mờ mắt” vì lợi nhuận với các con số 20%, 30%, 40% mỗi tháng, họ lại trở thành nạn nhân một lần nữa cho các tổ chức lừa đảo này.

Các “thủ lĩnh” quay lại “dẫn dắt” đội nhóm đầu tư

Trong bối cảnh thiếu kiến thức, thiếu thông tin và kinh nghiệm, nhà đầu tư tiền số ở Việt Nam thường rất dễ bị dẫn dắt bởi những “thủ lĩnh” là những người có nhiều kiến thức hơn, hoặc chỉ đơn giản là có khả năng ăn nói và thường là dân xuất thân làm đa cấp phi pháp.

Việc đầu tư theo bầy đàn là dễ dàng nhận thấy trên các nhóm Facebook, trong đó các thành viên nghe ngóng xem “thủ lĩnh”, “đàn anh”, “trưởng nhóm” quyết định nên đầu tư vào “dự án” nào, đồng coin nào và cứ thế “xuống tiền” đầu tư mà không cần biết thông tin dự án.

Những “thủ lĩnh” này đã từng kiếm được rất nhiều tiền hoa hồng nhờ vào kêu gọi đầu tư cho các dự án. Thời gian Bitcoin giảm giá vừa qua là lúc các “thủ lĩnh” ẩn mình. Tuy nhiên, việc Bitcoin quay lại mốc 8.000 USD/BTC như hiện nay khiến nhiều “thủ lĩnh” quay trở lại nhằm lôi kéo, kêu gọi đầu tư dự án “khủng”, “kiếm lời siêu tốc” và nhà đầu tư phải cực kỳ cẩn trọng với các “thủ lĩnh” này.

Với khung pháp lý chưa rõ ràng, nhà đầu tư tiền số gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường tiền số. Nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận mà quên đi các vấn đề khác như hacker, lừa đảo hoặc khung pháp lý, nhà đầu tư sẽ dễ bị các tổ chức, cá nhân lừa đảo thao túng với giấc mơ “làm giàu nhanh, làm giàu dễ”, dẫn đến “tiền mất tật mang”. Sự tăng giá của Bitcoin trong thời gian gần đây là “mồi lửa” không thể tốt hơn để các hình thức lừa đảo này quay trở lại.

Dương Huy - Trí nguyễn

Theo NTD
Từ khóa: