Tin vui về công nghệ xe điện: Sẽ có pin chỉ cần 10 phút để sạc đầy
Nhóm nghiên cứu của Đại học Pennsylvania đã chứng minh được một công nghệ làm ra loại pin mật độ cao, có thể sạc đầy trong khoảng 10 phút.
Công nghệ tế bào điều biến nhiệt (TMCT) được mô tả là tự làm nóng tế bào pin từ trong ra ngoài, hứa hẹn pin xe điện có khả năng chạy thêm 100 dặm (160km) trong 4 phút sạc.
Sự phát triển công nghệ pin mới cho phép chiếc xe có phạm vi hoạt động thêm 250 dặm (400km) chỉ sau 10 phút sạc, theo tờ AutoEvolution.
Thử nghiệm công nghệ sạc nhanh của nhóm nghiên cứu ở Đại học Pennsylvania (Mỹ)
Để đạt được hiệu suất như vậy, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Chao-Yang Wang đứng đầu đã tích hợp một mô-đun cấp nhiệt vào các ô pin (cell pin), tối ưu hóa đường cong nhiệt độ của các tế bào chứa điện.
Cụ thể, một lá niken nhanh chóng làm ấm tế bào pin và làm nguội nó khi cần thiết, cho phép tăng tốc độ sạc lên gấp 10 lần.
Thay vì điều chỉnh nhiệt độ từ bên ngoài bằng chất tản nhiệt và quạt gió như các hệ thống làm mát pin ô tô điện khác, hệ thống này thực hiện điều đó từ bên trong.
Mật độ tích tụ năng lượng của pin thử nghiệm tăng từ 209 Wh/kg lên 265 Wh/kg, tương đương với những loại pin tốt nhất trong các loại xe điện hiện nay, như pin của xe Porsche hay Tesla cao cấp nhất.
“Khối pin có thể sạc tới 70% trong 8 - 10 phút với khoảng 2.000 chu kỳ sạc, tương đương với nửa triệu dặm đường sau 2.000 lần sạc”, giáo sư Chao-Yang Wang cho biết.
Nhóm cộng sự của giáo sư Chao-Yang Wang tại ĐH Pennsylvania về công nghệ sạc nhanh
Pin nhỏ sạc nhanh cũng có cơ sở khoa học từ vấn đề khối lượng, chẳng hạn viên pin hiện hành có khối lượng tới 700kg cung cấp quãng đường 550km mỗi lần sạc.
Trong khi đó, viên pin cung cấp 240km hành trình có khối lượng tối đa khoảng 310kg.
Như vậy việc giảm 390kg trọng lượng pin giúp chiếc xe nhẹ hơn, cộng với việc sạc lại 10 phút để có thêm 240km hành trình, sẽ có ý nghĩa kinh tế hơn.
Ngoài ra, một viên pin lớn làm tăng đáng kể mức giá của một chiếc xe điện, đi cùng việc trọng lượng xe tăng thêm hàng trăm ki-lô-gam.
Lam Anh