Cẩn trọng với quảng cáo vay tiêu dùng lãi suất thấp dịp cuối năm
Theo chuyên gia kinh tế, dịp cuối năm, nhiều ngân hàng thường tung ra những gói vay tiêu dùng ưu đãi với thủ tục dễ dàng để thu hút khách nhưng thật ra có lãi suất "ẩn" phía sau.
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội cũng như phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện thông tin về những gói vay ưu đãi dành cho tiêu dùng với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp, thậm chí một số quảng cáo còn khẳng lãi suất chỉ 0%.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ các công ty tài chính, mà vào dịp cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại cũng có các chương trình cho vay tiêu dùng với số tiền từ hàng chục triệu đồng đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, những gói cho vay kiểu này thật ra có lãi suất "ẩn" phía sau cao hơn nhiều so với lãi suất thể hiện trên bề mặt nhưng khách hàng không phải ai cũng để ý.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, hiện nay rất nhiều tổ chức tín dụng, trong đó có các công ty tài chính đưa ra những lãi suất trên bề mặt rất thấp, nhưng họ tính các loại phí cao khiến lãi suất thực cũng đẩy lên rất cao.
"Khách hàng khi đi vay ở chỗ nào thì cần phải tính toán lãi suất cả năm, cộng với các loại phí, sau đó chia cho tiền gốc mới biết được lãi suất thực của mình ra sao”, ông Hiếu chia sẻ.
Ông Hiếu cho biết, một gói vay lãi suất không quá 20%/năm được xem là ổn định. Từ 20% đến 30% được xem là lãi suất cao, từ 30% - 50% là rất cao, từ 50% - 100% thuộc lãi suất cắt cổ, từ 200% trở lên thuộc tín dụng đen.
Bài liên quan Thống đốc NHNN ra văn bản cảnh cáo các công ty tài chính quấy rối khách hàngThị trường cho vay tiêu dùng hiện nay có lãi suất cao hơn hẳn so với gói vay dành cho các doanh nghiệp. Vì vậy, việc các ngân hàng cho vay những món nhỏ với lãi suất cao là đang tìm đến những người tiêu thụ tiềm năng, đây là hoạt động cho vay có lãi lớn mà nhiều ngân hàng đang hướng tới.
“Theo quy định, một gói vay lãi suất không quá 20%/năm, ngoại trừ có sự thỏa thuận, thương lượng giữa khách hàng và ngân hàng. Nên nhiều ngân hàng dựa vào thương lượng này để có thể cho vay cao hơn”, ông Hiếu cho biết.
Cũng theo ông Hiếu, vào dịp cuối năm, các ngân hàng thường cho vay ra nhiều hơn so với các tháng trong năm nên họ cũng cần vốn vào để cân bằng.
Ngoài ra, sang đầu năm 2019, thực hiện Thông tư 16/2018/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36 (20/11/2014), tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại các TCTD sẽ giảm từ 45% xuống 40%.
Việc này đòi hỏi các ngân hàng cần phải huy động để tăng lãi suất nguồn vốn trung và dài hạn. Chính vì vậy, các ngân hàng thường sẽ tăng lãi suất tiền gửi vào thời điểm cuối năm 2018 để huy động vốn.
Nhận định về tình hình hoạt động của các công ty tài chính hiện nay, ông Hiếu cho rằng, những doanh nghiệp này có quá nhiều rủi ro. “Khi cho vay, họ chấp nhận những đối tác có độ rủi ro rất cao, đến lúc họ có mất vốn là chuyện dễ hiểu.
Nhiều công ty tài chính là công ty con của ngân hàng thương mại và chỉ thành lập dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn.
Nếu công ty con làm ăn thua lỗ, phá sản thì ngân hàng mẹ chỉ mất phần vốn bỏ vào công ty con, chứ không phải chịu trách nhiệm liên đới đến số vốn đó. Việc phá sản của những công ty này cũng không ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của ngân hàng”, ông Hiếu chia sẻ.
Theo ông Hiếu, để đảm bảo những doanh nghiệp tài chính hoạt động lành mạnh, các ngân hàng phải luôn theo dõi hoạt động của những công ty này. “Nếu lơ là các công ty con của ngân hàng có thể dễ sa đà vào những tín dụng rủi ro dẫn đến mất vốn”, ông Hiếu cho biết.
Tân Nguyên
-
Ngân hàng phải thông báo cho khách hàng khi xảy ra sự cố lộ, lọt dữ liệu
-
Eximbank ra mắt gói ưu đãi tín dụng đặc biết dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ