Tín dụng đen giăng bẫy dân nghèo: Thủ đoạn tinh vi, tàn độc
Khi đưa người vay vào bẫy, nhóm cho vay nặng lãi mới hiện nguyên hình là hoạt động theo kiểu "xã hội đen"
Lần theo những tờ rơi được dán ở một trường đại học tại TP Cần Thơ, trong vai sinh viên đang có nhu cầu vay tiền "nóng", phóng viên Báo Người Lao Động liên lạc các số điện thoại trên tờ rơi thì kết quả thật bất ngờ.
Đủ chiêu dụ dỗ
Khi gọi vào số điện thoại 0913xxxxxx, chúng tôi nghe giọng rất "êm" tai, rôm rả giới thiệu chỗ của họ được rất nhiều sinh viên ở TP Cần Thơ tìm đến khi tới ngày đóng học phí mà phụ huynh chưa kịp gửi tiền. Thậm chí, người này còn khẳng định đã ra tay "cứu" không ít sinh viên thua độ bóng đá gỡ lại tiền.
Biết chúng tôi chỉ cần tiền mua máy tính xách tay, người này "tư vấn" chỉ cần cung cấp bản photocopy CMND, giấy tờ xe máy sẽ được vay 5 - 10 triệu đồng, cứ 1 triệu đồng thì phải trả 50.000 đồng/ngày trong 25 ngày. "Cần vay thì cứ liên lạc, anh sẽ đem hợp đồng đến ký để nhận tiền ngay. Nhớ đem theo giấy tờ gốc để đối chiếu" - người này nói.
Hôm sau, thấy chúng tôi không liên lạc lại, người này chủ động gọi điện hỏi đang ở đâu để mang hợp đồng tới. Chúng tôi viện lý do gia đình vừa chuyển tiền vào tài khoản nên tạm thời chưa cần vay thì người này bảo: "Nếu có bạn bè nào cần vay nhanh thì giới thiệu, bảo đảm có phần trăm hậu hĩ". Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, một số đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để cho vay nặng lãi thông qua hợp đồng mua bán tài sản nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chị T. (ngụ phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) cho biết vay 50 triệu đồng thì lãi suất 300.000 đồng/ngày nhưng người vay phải có tài sản thế chấp như nhà, đất, xe máy... Người vay phải làm hợp đồng bán tài sản của mình cho bên cho vay và một hợp đồng thuê lại tài sản ấy để sử dụng với tiền thuê hằng ngày bằng với lãi suất vay. Các hợp đồng nói trên đều được 2 bên đến cơ quan có thẩm quyền công chứng. "Vì cần tiền gấp nên phải vay "nóng" bằng cách này và chịu mọi điều kiện của bên cho vay đưa ra. Vì là tài sản vẫn do mình giữ nên bất chấp. Hơn nữa, bên cho vay ăn nói ngọt ngào lắm, rất dễ bị xiêu lòng" - chị T. nói.
Sẵn sàng bắt người
Cho vay tiêu dùng không cần thế chấp lãi suất cao hơn quy định của ngân hàng. Tuy nhiên, đánh vào tâm lý "kẹt tiền" của bà con vùng nông thôn và sinh viên xa nhà nhưng ngại những thủ tục rườm rà nên các "ngân hàng cột điện" ngày càng phát triển như nấm sau mưa. Thủ đoạn của các nhóm cho vay này là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người vay để trục lợi bất chính. Một nạn nhân chia sẻ điều mù mờ nhất trong các hợp đồng cho vay là quá nhiều nội dung ràng buộc, trong khi người vay đang cần gấp tiền nên không đọc hoặc đọc sơ sài. Tinh vi hơn, một số nhóm cho vay nóng khi tiếp cận "con mồi" thì giới thiệu họ là đại diện của chi nhánh, công ty thành viên của các ngân hàng nhà nước để lấy lòng tin. Phần lớn người vay rơi vào vòng xoáy "tín dụng đen".
Bà M. ở Kiên Giang cho biết: "Nghĩ nhà nước cho vay nên tiền lãi sẽ rẻ hơn bên ngoài, về nhà mới té ngửa khi lãi cao gấp 10 lần so với ngân hàng. Lúc tư vấn, họ nói ngon ngọt nghe êm tai lắm, còn hằng tháng đóng trễ là bị chửi bới liên tục, chừng nào đóng mới thôi" - bà M. bức xúc.
Hiện nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, mỗi con đường, khu vực trong các khu dân cư đều có vài "đại ca" quản lý, chuyên cho vay, góp. Vay nhỏ thì có "đàn em" nhỏ, vay lớn thì có "đàn anh, đàn chị". Ban đầu, các đối tượng này mồi chài, cho vay với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản để dụ người vay. Đến khi người vay túng quá thì ép với mức lãi suất cao. Lãi mẹ đẻ lãi con, chủ nợ chỉ cần "ăn lãi" cũng sống khỏe. Khi người vay tiền không trả đúng kỳ hạn, các đối tượng này sẽ gọi điện thoại hoặc trực tiếp đến nhà con nợ để đòi tiền, chửi bới, đe dọa để gây áp lực, ném sơn, chất bẩn vào nhà. Thậm chí in tờ rơi có ảnh, địa chỉ, số điện thoại của người vay và in thêm dòng chữ "cảnh báo lừa đảo"…
Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá cho biết tháng 2 vừa qua đã ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Quốc Cường (SN 1977, nhân viên DNTN Q.P - trụ sở tại phường Rạch Sỏi, TP Rạch Giá) để điều tra về tội "Giữ người trái pháp luật".
Theo kết quả điều tra ban đầu, do có nhu cầu vay tiền tiêu xài trong gia đình nên bà T.L (SN 1977, ngụ huyện Châu Thành) đến DNTN Q.P để vay 20 triệu đồng, lãi suất 140.000 đồng/ngày, thời hạn 3 tháng. Tính đến hết ngày 2-2, bà L. nợ tiền lãi vay của doanh nghiệp này là 48 ngày, tương đương hơn 6,7 triệu đồng. Do không đủ tiền đóng lãi nên bà L. đến văn phòng Q.P xin đóng tạm 1 triệu đồng nhưng Cường không đồng ý và bắt giữ bà này. Cường yêu cầu người thân bà L. mang tiền đến đóng đủ số đã nợ thì mới được thả về. Sáng hôm sau, khi hay tin vợ mình bị bắt giữ, ông T.H đã đến DNTN Q.P gặp Cường để xin cho bà L. về nhưng không được nhân viên này đồng ý nên trình báo Công an phường Rạch Sỏi. Đến 9 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng kiểm tra hành chính doanh nghiệp này và bà L. mới được Cường cho về nhà.
Không trả nổi nợ thì bị đe dọa
Một chủ nợ chuyên cho vay nóng tên D. cho biết đã "giải nghệ" vì những lần đòi nợ đẫm máu khiến ông bị thương nặng ở chân. Ông D. kể hồi đi làm vàng, anh em đào vàng túng, kiệt thì ông này cho vay; trúng thì họ thưởng mà thua thì "bùng" (trốn nợ - PV). Tuy nhiên, do bị "bùng" nhiều quá nên ông chuyển hướng cho bà con tiểu thương vay. "Vay 1 triệu đồng thì lấy trước lãi 200.000 đồng, chỉ giao 800.000 đồng. Số tiền lớn thì tôi phải đến tận nhà giao, biết nhà rồi thì theo dõi mà đòi nợ. Đến hạn mà không trả nổi nợ thì phải ép, thậm chí đe dọa họ trả phần lãi, phần vốn tính theo đợt vay mới" - ông D. nói.
K.NAM
Thốt Nốt - Song Anh - Cao Tuấn
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường