Lãi suất cho vay lên tới 47,65%/năm, khác gì tín dụng đen?
Theo cập nhật mới nhất tại một công ty tài chính tiêu dùng đứng đầu thị trường thì mức lãi suất đang áp dụng với các khoản vay tín chấp tại công ty này có thể lên tới 2,95%/tháng, tương đương 35,4%/năm. Thậm chí, có một công ty tài chính trong TP.HCM còn có lãi suất cho vay lên tới 47,65%/năm, mức lãi suất này có khác gì tín dụng đen?
Trong công văn gửi cử tri, giải trình về câu chuyện lãi suất cho vay tại các công ty tài chính hiện không được công bố rõ ràng, gây rủi ro cho khách hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định theo Luật các tổ chức tín dụng thì “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thoả thuận về lãi suất cấp tín dụng trong hoạt độn của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”. Bản thân các công ty Tài chính cũng đang áp dụng quy định này, lãi suất là thoả thuận giữa 2 bên và không bị giới hạn bởi bất cứ khung trần lãi suất nào.
Quy định nêu trên được coi là phù hợp với quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay việc còn nhiều mập mờ xung quanh chuyện công bố mức lãi suất tại các công ty tài chính làm tình trạng tranh chấp giữa khách hàng và công ty thường xuyên xảy ra.
Gần đây nhất có trường hợp một khách hàng tại TP.HCM tố cáo một công ty tài chính, khi vay tín chấp 70 triệu đồng với thoả thuận ban đầu là lãi suất 2,1%. Tuy nhiên sau đó, công ty này đã làm lại hồ sơ cho vay với lãi suất lên tới 3,92%/tháng (47,65%/năm).
Muôn màu lãi suất cho vay tín chấp
Theo cập nhật của một công ty tài chính lớn nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay là FE Credit, mức lãi suất để cho vay tín chấp giao động từ 1,4%/tháng đến 2,95%/tháng. Như vậy nếu khoản vay có thời hạn 1 năm thì mức lãi suất sẽ rơi vào khoảng từ 17,2%/năm đến 35,4%/năm.
Nếu so lãi suất của công ty tài chính với lãi suất ngân hàng thì có thể thấy mặt bằng lãi suất rõ ràng chênh lệch nhau rất lớn. Trong khi các ngân hàng cho vay với mức lãi suất phổ biến là 6-10% còn các công ty tài chính này là 17-35%.
Như vậy, với một mức vay khoảng 70 triệu (giới hạn cho vay tín chấp tiêu dùng một vài công ty đang áp dụng), đến cuối năm người vay tiền có thể phải trả thêm 24,78 triệu đồng tiền lãi. Tổng cộng khách hàng phải trả 94,78 triệu cả gốc và lãi, nếu người cho vay trả đúng hạn. Còn nếu khách hàng không trả lãi đúng hạn thì lãi mẹ sẽ đẻ lãi con, lãi của lãi tháng trước sẽ được cộng vào để tính lãi cho tháng sau, cộng thêm các khoản phạt do trả chậm và phí.
Lãi suất cao là vậy, nhưng các công ty tài chính vẫn được nhiều khách hàng ưu tiên lựa chọn, bởi thủ tục cho vay nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp, giải ngân nhanh, có khi chưa đầy 12 tiếng đã có thể hoàn thiện mọi thủ tục và tiền đến tay khách hàng.
Tuy nhiên, chính vì cho vay đơn giản đơn giản như vậy, nên rủi ro của các khoản vay tại các công ty tài chính là rất lớn. Để làm rõ hơn lý do tại sao mức lãi suất tại các công ty tài chính cao như vậy? Và những rủi ro nào đang tiềm ẩn tại đây? dưới đây là ý kiến của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng về vấn đề này.
Rủi ro càng lớn, lãi suất càng cao
Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong ngành ngân hàng, ông Hiếu cho biết: Rủi ro món vay càng lớn, đi đôi với nó là lãi suất càng cao.
Giải thích một cách chuyên ngành thì các ngân hàng có càng nhiều các khoản vay rủi ro, dễ mất vốn thì càng cần đẩy mạnh cho vay và lãi suất phải càng cao để tăng tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM). Ví dụ, một ngân hàng có hệ số NIM là 2%, có nghĩa là cứ mất đi một khoản vay giá trị 100 đồng thì họ lại cần 50 khoản vay mới để bù vào khoản vay có giá trị 100 đồng mà không thù hồi được vốn đó.
Các công ty tài chính cũng dùng chung 1 công thức như trên để tính lãi suất, nhưng NIM phải cao hơn nhiều, vì các khoản vay tại các công ty tài chính thường rủi ro rất cao, có khả năng mất vốn lớn. Mức NIM có thể lên tới 20% đến 30%, để cứ mất vốn ở một khoản thì sẽ có 3 đến 5 khoản mới bù lại cho một khoản vay mất vốn trước đó.
Theo ông Hiếu, ngoài yếu tố biên lợi nhuận thì cũng còn nhiều yếu tố tác động tới lãi suất tại các công ty tài chính như yếu tố lãi suất, thanh khoản của công ty tài chính hay thị trường hay cũng vì bản thân giá vốn đầu vào của các công ty tài chính rất cao.
“Các công ty tài chính huy động vào có thể tới 15%. Vì các công ty này phải huy động vốn qua vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, hoặc vay công ty mẹ chứ không được huy động vốn trực tiếp từ dân chúng”, ông Hiếu nói.
Lãi suất cho vay tín chấp 35% là quá cao
Nhận định một con số lãi suất cho vay cụ thể khoảng 35%/năm, ông Hiếu cho rằng đây là mức lãi suất quá cao đang thịnh hành ở các công ty tài chính. Mức lãi suất lên tới 50% thì được coi là lãi suất “cắt cổ”, xếp hạng cho vay nặng lãi không kém gì tín dụng đen.
Theo đó, ông Hiếu kiến nghị: Thiết nghĩ cần có biện pháp từ các cơ quan quản lý nhà nước như NHNN, Bộ Tài chính để kiềm chế lãi suất tín chấp đang thịnh hành tại các công ty tài chính hiện nay.
Cụ thể, nên có một khung lãi suất và quy định cụ thể về các loại lãi suất cắt cổ, cho vay nặng lãi tại các công ty tài chính.
Thứ 2, theo ông Hiếu, các cơ quan quản lý cần yêu cầu các công ty tài chính công bố lãi suất rõ ràng chính thức trên Website. Và bảng công bố này cần cung cấp đủ thông tin của cả 2 loại lãi suất là lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực. Tránh tình trạng các công ty này lập lờ, chỉ công bố ưu đãi lãi suất thời gian đầu mà không nên rõ mức lãi suất thực mà khách hàng phải “gánh”.
Lãi suất thực này bao gồm lãi suất tính cho cả năm cộng các loại chi phí lệ phí mà người đi vay phải trả. “Chúng ta chưa bao giờ có những quy định rõ ràng như vậy. Không thể bắt người dân lần mò tính máy tính để biết một năm mình phải trả bao nhiêu cho ngân hàng với khoản vay như thế”.
Ông Hiếu cũng đề xuất các công ty tài chính cần công bố lãi suất theo năm chứ không phải theo tháng như hiện nay, có thể gây hiểu nhầm cho khách hàng thì không tìm hiểu kỹ, chỉ thấy lãi suất 2, 3% là rất thấp.
Ông Hiếu kiến nghị, trong các hợp đồng của công ty tài chính với khách hàng cũng cần ghi rõ điều kiện cho vay, lãi phạt, ngày trả nợ, trả bằng cách nào, nếu khách hàng vi phạm thì xử lý bằng chế tài nào.
“Đây là những yêu cầu tối thiểu để tránh những tranh chấp không đáng có giữa khách hàng và công ty tài chính; tránh tình trạng các công ty tài chính giải thích hợp đồng theo ý của họ, hoặc dùng các hình thức xã hội đen để thu hồi nợ”, ông Hiếu bổ sung.
Nguyệt San
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường